Ghi chép_TỪ TUỔI THƠ KHÔNG BẰNG PHẲNG
TỪ TUỔI THƠ KHÔNG BẰNG PHẲNG!
Tối thứ bảy tháng trước (25/02/12) trong cuộc hội ngộ tại Sài Gòn, Thầy Nguyễn Lân Dũng giới thiệu Trần Công Chung vừa là học trò cũ, vừa là Giám Đốc Cty TNHH Thiên Thảo Xanh (TTX) – một Cty Rau sạch “Có Bảo đảm”, Thầy đang cố vấn trực tiếp.
Trước mắt tôi - người GĐ 35 tuổi: điềm đạm, cởi mở
và thân tình, bên cạnh là cô vợ trẻ trông rất lành, nói năng từ tốn nhỏ
nhẹ…Suốt cuộc hàn huyên, tôi hiểu Chung là người rất năng động, tinh thần vượt
khó cao, nhất là dám nghĩ dám làm…được Thầy Lân Dũng đặc biệt tin tưởng.
Lúc bắt tay tạm biệt, tôi hẹn với vợ chồng Chung – sẽ gặp lại một ngày thật
gần. Vậy mà vì công việc, mãi đến hơn hai tuần sau … tôi mới có mặt tại số
50/1A – Mỹ Huề - Trung Chánh – Hóc Môn, nơi Cty TTX tọa lạc.
Rau, củ, quả …. là một trong những thực phẩm không thể thiếu ở các bữa ăn
của gia đình Việt Nam. Song, hiện nay khi mà xã hội ồ ạt phát triển, các ứng
dụng khoa học được đưa vào đời sống, thì việc xuất hiện những khuyết điểm, làm
sai lệch xu hướng hiện đại hóa nông thôn, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến sức
khỏe con người ... là điều không tránh khỏi. Chẳng hạn việc dùng thuốc trừ sâu
vô tội vạ, dùng những dung dịch hay phân bón hóa học không có xuất xứ rõ ràng,
khiến độ an toàn của thực phẩm xuống thấp ... hậu quả là nhiều vụ ngộ độc xảy
ra rất đáng tiếc.
Trước tình hình nóng bỏng đó, năm 2008 Thành phố phát động rộng khắp chương
trình AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM.
Xuất phát từ những trăn trở và lòng yêu thích công việc, cũng để đáp ứng
nhu cầu về ăn uống – Chung đã hình thành ý tưởng “ Sản xuất và cung cấp các
nguồn thực phẩm sạch”. Ý tưởng này được GS TS Nguyễn Lân Dũng đồng tình và nhận
làm cố vấn trực tiếp. Thế là THIÊN THẢO XANH ra đời với tiêu chí có một không
hai:
Cam kết:
"Chúng tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Pháp luật về dư lượng
thuốc trừ sâu, hóa học".
Sản phẩm đầu tiên của TTX chào hàng được hệ thống Co.opMart chấp nhận và
lưu thông tiêu thụ ổn định suốt đến nay.
Giữa cánh đồng bát ngát,
hơn 4 ngàn mét vuông đất của TTX được phân thành những luống, những ô thẳng
tắp, đầu mỗi luống đều có rảnh hào thoát nước – Dưới cái nắng sớm tháng ba -
nào rau muống, mồng tơi, cải xanh, cải ngọt rau dền tím.... trải lá sởn sơ. Đất
dưới chân mát rượi ... tôi cũng thấy lòng mình xanh trong, tươi rói.
Nhìn xung quanh, người ta cũng trồng rau nhưng để tự nhiên, trong khi TTX
với một diện tích như thế, được đóng cọc tràm họặc đước vững chải từ mặt đất
cao hai mét, tất cả được phủ lưới kín. Thấy tôi thắc mắc, Chung giải thích:
- Đó chính là cái “khác” đặc biệt của TTX. Sau khi thấy nhiều vụ ngộ độc do
rau củ chứa chất thuốc trừ sâu cao ngoài mức cho phép, người tiêu dùng mang tâm
lí “ ngại các loại rau xanh có lá lành lặn, vì cho rằng - đã sử dụng thuốc trừ
sâu...”. Nắm được tâm lí ấy, đa số người trồng cứ để mặc cho sâu cắn lá, sắp
đến ngày thu hoạch chỉ cần phun thuốc vượt và thuốc trừ sâu. Sản phẩm vẫn lớn
khỏe và hợp tâm lí người tiêu dùng. (Thật vậy, tôi cũng từng chứng kiến – có
những thửa rau mới chiều hôm trước thấy người ta phun thuốc, thì sáng hôm sau
rau đã lên đường đi tiêu thụ).
Với vai trò cố vấn trực tiêp, Thầy Dũng yêu cầu Chung phải đóng cọc và vây
lưới toàn bộ vừa ngăn chặn côn trùng, vừa giảm sự tác động của thời tiết. Côn
trùng không vào được, không đẻ trứng thành sâu, thì sẽ chẳng cần đến thuốc hóa
học - đúng như lời cam kết.Trong kinh doanh, việc cạnh tranh là không tránh khỏi, nhưng cạnh tranh về công nghệ kĩ thuật để đạt năng suất ... Còn chất lượng, thương hiệu, uy tín, nhất là yếu tố AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM – đó là cái Tâm, là kim chỉ nam mà TTX đã xác định và luôn thực hiện. Điều đó cũng hợp với niềm tin mà khách hàng và người tiêu dùng đang mong mỏi...
Nắng lên cao, chúng tôi ra một quán cà phê ngồi giải lao.
Trong câu chuyện kể, tuy không sôi nổi, nhưng Chung đã cuốn hút tôi bằng sự
chân tình và cởi mở.
... Chung có quãng đời thơ ấu không bằng phẳng.
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất thuần nông: Mỹ Hà – Mỹ Lộc – Nam Định. Bảy
anh em, Chung là cả, gia đình quá nghèo nên tuổi thơ của Chung sớm cơ cực. Tuy
đến trường nhưng Chung vẫn chăn trâu cắt cỏ. Ngày rảnh thì đi bắt cua bắt cá.
Hai giờ khuya, trời rét căm căm đã thức dậy ra đồng tát nước ruộng, năm giờ
sáng trở về ăn vội củ khoai hoặc củ sắn luộc để chuẩn bị đến trường. Cực khổ
như vậy, nhưng chưa bao giờ gia đình Chung được xem như tạm đủ về cái ăn cái
mặc . Trong nhà không có vật gì đáng giá, nên hàng xóm rất áy náy khi phải giao
tiếp, bởi họ sợ Bố Mẹ Chung sẽ vay nợ tiếp.
Thật vậy, mỗi năm sáu mươi nghìn tiền học phí cho từng đứa con đến lớp, Bố
Mẹ Chung không sao lo nổi, nên phải nợ năm này chồng năm khác. Con đông, lúa
đến mùa thu hoạch chỉ đủ cái ăn chờ giáp hạt, lấy gì trang trải nợ nần?
Sớm ý thức được chữ Nghèo, Chung nhiều lần mong mình chóng lớn, đủ tuổi để
đăng kí đi bộ đội cho gia đình nhẹ bớt miệng ăn.... Rồi Chung kịp nghĩ: đó mới
chỉ là lối thoát cho cá nhân mình, còn tương lại các em thì sao?! Câu hỏi đó
được giải thích bằng hành động! Chung lao vào học bất cứ lúc nào được rảnh.
Trên tay Chung luôn có quyển sách.
Năm đầu tiên lên Hà Nội học Đại Học, biết gia đình càng lâm vào cảnh túng
quẩn, Chung xin đi tiếp thị và bán hàng trang trang trí Nột Thất ngoài giờ học.
Chung nhớ- có những nhà mình gọi, cửa vừa mở đã vội đóng sầm, khi thấy “thằng
nhóc” ốm yếu mặc đồ Bộ đội cũ (đồ chú cho, được sửa lại mặc đi học).... Vì
miếng cơm manh áo, vì phải trang trải học phí, vì những đứa em nheo nhóc dưới
quê.... Bấy nhiêu đó khiến Chung không nản chí! Dần dần có ngày Chung giới
thiệu và bán được ngoài hai trăm nghìn, số tiền đôi lúc cao hơn cả những người
đã làm việc trước Chung.
Tôi cảm động đến nhói lòng, nghe Chung nói: “Cầm hai triệu đồng – tháng
lương dầu tiên (thời đểm 97 – 98), với Chung nó lớn vô cùng, một món tiền có
nằm mơ Chung cũng không dám nghĩ mình sẽ kiếm được. Ra chỗ vắng Chung hôn vào
xấp tiền rồi chạy như bay đến Bưu điện gửi tất về để Bố Mẹ trang trải học phí
cho các em....”
Trước khi khai sinh TTX, Chung đã trải qua nhiều công việc “thượng vàng, hạ
cám”, miễn sao tích lũy được vốn sống, đồng thời kiếm tiền một cách chân chính.
Với mảnh bằng ĐH, theo bạn bè “xuôi Nam” mong tìm được việc tốt để đổi đời,
bởi gia đình Chung còn khổ quá!
Đầu tiên về quê người chú họ ở Bạc Liêu, Chung làm nhân viên kho cho một
công ty Bitis, chưa đầy hai tháng được chuyển sang làm nhân viên Kinh Doanh.
Mới sáu tháng lên phó phòng, rồi trưởng phòng KD, nắm một số cơ sở.
Như con cá muốn rời sông ra biển lớn. Chung rời Bạc Liêu về Thành Phố cùng
vài người bạn mở cơ sở sản xuất Miến. Công việc ổn định, để thử sức mình, Chung
nhường công việc lại cho bạn và đầu quân sang một công ty chuyên kinh doanh của
Thái.Nguyện ước của Chung đã thành hiện thực, khi Chung trở về quê cũ xây một ngôi nhà ba tầng đền đáp công ơn Bố Mẹ những ngày gian khổ vì con. Mọi vật trong gia đình, Chung cố trang bị đầy đủ, để các em không phải trải qua một tuổi thơ “dữ dội” như Chung.
- Từng học QTKD ngoài Bắc, vào Nam tiếp tục học Kinh Tế đối ngoại, vậy
duyên nợ thế nào mà tự dưng rẻ sang trồng rau xanh, một công việc không hề dính
dáng đến chuyên môn?!
Vẫn nụ cười trên môi, hớp ngụm cà phê – Chung khẻ kể:
- Năm 2008 đang làm tại một công ty Thái Lan, cùng lúc Chung có ý tưởng
trong đầu về việc “cung cấp nguồn rau sạch” thì may mắn - người bạn thân chuyên
ngành Địa chất từ Sing trở về, hiểu ý tưởng của Chung, thế là hai người cùng đi
tìm đất, anh dùng máy đo đạc, tính toán độ Kiềm, độ nước ... Rồi ý tưởng được
Thầy Dũng ủng hộ và nhận trực tiếp cố vấn, Chung vẫn giữ vai trò kinh doanh.
Công việc bao giờ cũng “vạn sự khởi đầu nan”, TTX có được như ngày hôm nay
là cũng kinh qua nhiều bận “lên bờ xuống ruộng”, có điều Chung luôn giữ được
tính kiên nhẫn lập trường kiên định!
- Câu cuối cùng nhé! Chung thử bật mí về mối tình thật đẹp của mình giữa
Lương và Giáo, như Thầy Dũng từng khen?!
Chung bật cười thành tiếng, thoải mái:
- Thầy chọc tụi em đó chị ơi!
Trong tiếng nhạc không lời dìu dặt của quán cà phê, Chung tâm sự:
- Khi mọi việc tạm ổn, gia đình luôn đốc thúc chuyện vợ con. Hơn mười năm
làm công việc Kinh doanh, tiếp xúc rất nhiều ... cũng có những đối tượng lọt
vào “tầm ngắm”, nhưng qua suy nghĩ chắc lọc, Chung cảm thấy chưa hợp. Không
phải họ kém cỏi ... Ngược lại, họ là những người tài sắc, giỏi giang.
Với công việc của mình, Chung cần một phụ nữ biết lắng nghe và chia sẻ.
Rồi một lần làm ăn với đối tác, Chung tiếp xúc với Vũ Thị Hạnh – phụ trách
mảng Xuất nhập khẩu. Chung bàng hoàng trước người con gái sinh năm 1984 này
(kém Chung 7 tuổi). Hạnh không sắc sảo, chẳng thông minh nhiều... nhưng vừa
gặp, Chung cảm thấy: đây chính là người con gái Chúa đã giành riêng cho mình!
Cái LÀNH và sự Giản dị của Hạnh đã thu hút Chung từ những giây phút gặp gở đầu
tiên! Chung biết – cuộc đời mình không thể thiếu Hạnh.
Chuyện tình yêu giữa hai người cũng không được suôn sẻ mấy. Xác định đi đến
Hôn nhân, thì việc Hạnh phải học Đạo là đương nhiên. Rào cản giữa hai người bây
giờ là chuyện gia đình hai bên. Nếu như Chung có một quãng đời Tuổi thơ không
bằng phẳng, thì Hạnh có một mái ấm không được lành lặn..! nhưng mục đích cuối
cùng của hai người: Quyết định cùng xây tổ ấm, thì việc rào cản của gia đình
không còn nan giải, vấn đề là thời gian. Một mặt Chung giải thích với gia đình
mình, một mặt Chung khuyên và động viên Hạnh.
Cuối cùng, hôn lễ hai người được cử hành năm ngoái - sau hơn hai năm để
Tình yêu đủ chín mùi!
Được biết tháng sáu này Chung và Hạnh sẽ đón thành viên mới chào đời, tôi
chân thành chúc hai người mọi Bình Yên và An Lành trong cuộc sống.
Trước khi chia tay, tôi hỏi đùa Chung một câu: "Ba mươi lăm tuổi, an
phận với những gì đã có chưa?"
Không ngờ Chung trả lời rất thật: "Vẫn chưa chị ạ!"
Tôi hiểu là Chung sẽ trả lời như thế, bởi trong đôi mắt, trong lời nói ...
của Chung còn chứa nhiều khát vọng!
Trong cuộc sống, nếu con người hết đi niềm Khát vọng ... e sẽ buồn lắm!!!
PHAN NGỌC HẢI
Sài Gòn Chiều mưa!
21 – 03 - 2012
No Comment to " Ghi chép_TỪ TUỔI THƠ KHÔNG BẰNG PHẲNG "