Thơ mới nhất:

Menu

Truyện Ngắn_HAI VẾT THƯƠNG.



HAI VẾT THƯƠNG
Truyện ngắn  PHAN NGỌC HẢI



Nghe gọi tên, người phụ nữ hấp tấp bế đứa bé gầy nhom bước vào. Thằng nhỏ ho khục khặc. Nếu không có chiếc đầu to và khuôn mặt xương xẩu xanh mét, nhìn cái dáng nhỏ xíu, người ta chỉ đoán nó sáu bảy tuổi chứ không phải đứa trẻ lên mười.
Thấy thằng bé suy dinh dưỡng nặng, vị nữ Bác sĩ chạnh lòng. Cặp nhiệt độ và nghe phổi xong, cô ngước lên, hỏi:
- Cháu ho lâu chưa hở chị?... Ủa….!
Người phụ nữ bế con vội cúi đầu trước đôi mắt đầy ngạc nhiên của vị Bác sĩ. Bất chợt vị Bác sĩ lên tiếng:
- À!... xin…lỗi, có phải chị… là Thùy. Kim….Th..u.ỳ, quê… Gò Công?
Nụ cười ngượng ngập khẽ nở trên môi, giọng người phụ nữ nhẹ nhàng:
- Dạ,..ơ..đúng! Mình là Thùy. Còn bạn là Hà Yên?
Vị Bác sĩ cười rất tươi:
- Thì ra trái đất vẫn tròn. Mày có biết tao từng đi tìm mày khắp không?
Mình đã nhận ra Hà Yên từ lúc mới bước vào, nhưng mình ngại…
Ngoài kia, nắng lên cao. Những ngọn bạch đàn lã lơi, xôn xao trong gió. Trước sân Ủy ban xã, bà con đến đăng ký khám bệnh mỗi lúc một đông. Nhiều đôi mắt tò mò, hướng về phía hai người. Họ chứng kiến cuộc gặp gỡ tình cờ của đôi bạn thân nhiều năm chưa gặp.
Vị nữ bác sĩ bấu chặt cánh tay tuy đen đúa mà tròn lẳn của người phụ nữ, hỏi dồn dã:
- Sao mày lại ở đây? Ngày ra trường tao về Vàm Láng tìm, nhưng nhà đóng cửa. Người ta bảo: lâu rồi chẳng biết mày sống ở đâu. Sang Tân Thới hỏi thăm, thì nhà mày đã đổi chủ… Mới đó mà mười mấy năm, mọi chuyện tao ngỡ mới hôm qua…
Người phụ nữ tên Thùy cười buồn:
- Mình có mặt nơi này từ khi chưa thành lập huyện mới, không ngờ hôm nay Yên cũng đến đây.
Thùy cúi xuống vuốt tóc đứa bé, cố giấu tiếng thở dài:
- Cháu ốm yếu từ lâu, mấy ngày nay trời trở gió nó lại ho nữa.
Bác sĩ Phạm Hà Yên là thành viên của đoàn Y tế lưu động. Hôm nay đoàn được Sở cử về huyện mới khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho bà con.
Người phụ nữ khẩn khoản:
- Cháu bệnh nặng dữ không Yên?
Bác sĩ Yên vừa ghi đơn thuốc vừa trả lời:
- Mày yên tâm, cầm thuốc về cho cháu uống theo toa là khỏi. Có điều cháu suy dinh dưỡng nặng, mày cần cho cháu bồi bổ thêm. Ba nó không còn đi biển đánh cá nữa sao?
- À,…à,…Mình cảm ơn Yên.
Cô y tá soạn thuốc trao cho Thùy và sắp gọi tên người khác. Bác sĩ Yên vội đứng lên cầm tay bạn:
- Mày về nha. Chiều tao sẽ đến thăm gia đình, mai trở về tỉnh sau.
Người phụ nữ chớp nhanh đôi mi, giọng bối rối:
- Nhưng ..nhà mình…xa lắm, lại đường đi… rất khó..
Bác sĩ Yên mĩm cười:
- Nhất định tao sẽ tìm được. Gửi lời thăm Ngư nha.
Thùy chào bạn rồi bước nhanh ra cửa, để lại nỗi bồi hồi dậy lên trong lòng bác sĩ Hà Yên.
.… Thùy không khác ngày xưa mấy, vẫn nụ cười hớp hồn thiên hạ, vẫn giọng nói dịu dàng như ru. Có chăng, Thùy hôm nay đã dạn dày sương nắng. Đôi mắt to đen, trong như giọt nước mưa ngày nào, giờ sâu thẳm ngụt ngùi u uất. Vẫn tấm lưng thon, nhất là bộ ngực căng tròn mây mẩy dưới lớp áo bà ba trắng, nói lên sức sống tràn trề của một phụ nữ thôn quê.

Ở ngôi trường phổ thông trung học thị trấn ngày đó, có "bộ tam" chơi thân nhau từ những năm đầu cấp ba.
Yên và Ngọc cùng sinh trưởng ở phố chợ. Ngọc trắng trẻo, mập tròn giống hạt mít, trong khi Yên khẳng khiu khô đét tựa que tăm. Chỉ có Thùy là dân cù lao mà xinh xắn, dễ thương . Gia đình khá giả, ba mất lúc Thùy mới lên lớp 10, hai anh trai vượt biên sau giải phóng mấy năm. Nhà còn mình Thùy sống với mẹ. Sợ con qua sông lúc sóng to gió lớn, má Thùy mướn hẳn một căn nhà trọ cho cô "gái rượu" ở tại thị trấn.
Vườn nhà Thùy đủ loại cây trái. Một lần Thùy rủ hai bạn về Tân Thới, đúng mùa bòn bon chín rộ. Từng chùm, từng chùm trái vàng mọng ngọt thơm, đã làm Yên mê mẫn. Từ đó dù cách trở đò ngang, dù vàm Cửa Tiểu đôi lần sóng lớn, cũng không làm vơi nỗi háo hức trở lại cù lao của Hà Yên, mỗi dịp nghỉ lễ.
Giữa năm lớp 12, một chiều cuối tuần má Thùy qua đón con. Lúc từ giã, bà bịn rịn nói với Ngọc và Yên:
- Hai cháu ở lại mạnh khỏe, ráng học giỏi hoài nghen. Cho bác gởi lời thăm gia đình.
Yên nhanh nhảu:
- Dạ, tụi con cảm ơn bác, thứ hai Thùy sang, bác nhớ dặn Thùy mang nhiều nhiều trái cây cho tụi con…
Thứ hai Thùy không sang. Gần cả tuần Thùy cũng chẳng trở lại học. Lo cho bạn, Ngọc cuống cuồng bàn với Yên: "Hay Chủ nhật, tụi mình đi cù lao xem nó ra sao?". Không ngờ, chiều thứ bảy ấy Thùy nhắn hai bạn đến nhà trọ của mình.
Thùy đang thu dọn quần áo, Yên và Ngọc tới. Cô ôm chặt hai bạn, khóc nức nở:
- Mình sắp lấy chồng theo sự định đoạt của má. Chỉ còn hơn tháng nữa là đám cưới, ngày lành tháng tốt đã định sẵn rồi.
Yên không tin vào tai mình, hỏi vặn lại:
- Mày vừa nói gì? Sắp lấy chồng? Chồng mày là ai, làm gì?
Giọng Thùy não nuột:
- Mình chưa biết mặt người ta. Nghe nói, trước anh cũng học dưới thị xã, sau về cùng gia đình làm nghề đi biển. Má bảo: hai thông gia là bạn chí cốt từ thời trai trẻ. Má muốn thực hiện trọn vẹn lời ước nguyện của ba trước phút lâm chung, nên khi người bạn cũ vừa đặt vấn đề hôn sự cho con trai, má đồng ý gã mình ngay.
Chẳng hiểu Ngọc nghĩ gì, riêng Yên thấy lòng trống trải lạ. Nghĩ tới ngày mai "bộ tam" sẽ còn hai đứa, một cảm giác chông chênh xâm chiếm. Tâm hồn cô quay quắt, nghiêng chao.
Đám cưới Thùy rất vui!
Đàng trai sang đón dâu thật sớm. Thùy về đến quê chồng, mặt trời vừa lên vài con sào. Vàm Láng hôm ấy: nước biển xanh, bầu trời cũng xanh. Cả hai hòa huyện, như mừng hạnh phúc cho đôi trai gái.
Nhìn Thùy súng sính trong áo cô dâu, rạng rỡ bên Ngư, ai cũng tấm tắc trằm trồ. Mặc dù tiếc cho bạn, tuổi học trò sớm kết thúc; nhưng Hà Yên không khỏi mừng thầm: Thùy được gia đình bên chồng rất mực thương quí dâu con.
Trưa, tiễn họ nhà gái ra về. Thùy cứ khóc, níu chặt tay hai bạn mãi. Ba chồng của Thùy phải nói với Yên và Ngọc
- Hai cháu đã cất công đưa bạn về đây, thương bạn còn lạ nhà, bác mong hai cháu cố nán chơi với Thùy đến chiều … cho nó đỡ tủi thân.
Gần tối Yên và Ngọc mới từ giã được Thùy. Cả hai định đi xe lam ra thị xã rồi đón xe khác về lại huyện Tây, nhưng gia đình bên chồng Thùy nhất định không cho. Họ muốn chính người nhà đưa hai cô về tận nơi.
Mừng ngày vui của Ngư, anh em bạn bè cứ chén tạc chén thù, đến chiều ai cũng say khướt. Chỉ Kình, anh trai của Ngư rất tỉnh. Kình gọi đứa cháu họ, cả hai lấy Honda tình nguyện làm tài xế đưaYên và Ngọc về. Ban đầu nhìn sắc thái buồn buồn và gương mặt trầm tư u uất của Kình, hai cô hơi ngán. Khi tiếp xúc, họ mới biết Kình rất ga-lăng. Anh đẹp trai như Ngư. Vì là dân đi biển, nên Ngư có dáng vẻ phong trần và bụi bặm hơn Kình.
Qua những câu trao đổi, Yên và Ngọc được biết Kình không thích "nghề" của gia đình. Tốt nghiệp Trung cấp Tài chính, anh xin về công tác ngành thuế tại huyện nhà.
Dù đi khác xe, nhưng Ngọc cũng lém lĩnh, nói dói sang:
- Sao anh Kình lớn hơn mà không cưới vợ, để anh Ngư qua mặt vậy?
Kình cười nhẹ:
- Ba má anh rất muốn có cháu nối dõi, nhiều lần đốc thúc chuyện vợ con, anh đều từ chối - vì còn chờ một người. Vậy mà hôm nay anh mới nghiệm ra, mình sai lầm khi không nghe lời ba má.
Ngồi phía sau Kình, Hà Yên lên tiếng:
- Sao lại sai lầm, anh Kình sẽ cưới tiếp sau anh Ngư, có gì muộn đâu?
- Anh biết nói thế nào để Yên hiểu đây? Trong cuộc sống có nhiều điều ngang trái, mà mình không lường được. Hơn nữa, anh sẽ không bao giờ tìm lại được một Kim Thùy thứ hai.
Giọng Kình bàn bạc như tiếng gió chiều, Yên giật mình cắt ngang:
- Anh Kình nói vậy nghĩa là sao?
Biết mình lỡ lời, Kình nói lãng:
- Hôm nay tiễn bạn về nhà chồng, rồi đến bao giờ hai cô cho bọn anh uống rượu mừng đây?
Yên và Ngọc không trả lời câu hỏi của Kình. Hai người vẫn cười khúc khích. Họ đâu biết rằng giữa lòng chàng trai đồng hành, có cơn bão lớn đang quăng quật.
... Ba năm trước, lúc học nghiệp vụ ở trường Tài Chính, Kình nghe tin mẹ bị trụy tim, cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Quá trưa anh đến nơi, lao như bay lên cầu thang, tới tầng hai bỗng tiếng "ái" vang thất thanh. Kình hoảng hồn – thì ra vì trớn chạy của mình, đã va vào làm cô bé đi ngược chiều ngã sóng soài. Thấy cô lồm cồm ngồi dậy, nghĩ đến cơn thập tử nhất sinh của mẹ, Kình chỉ kịp nói hai tiếng "xin lỗi" và chạy tiếp.
- Anh ơi!
Mới mấy bước, Kình quay lại. Cô bé đang khom người phủi bụi dính áo, tay vén tóc để lộ vẻ mặt nhăn nhó, biết cô đau lắm, anh vội nói:
- Vì mẹ tôi đang nguy cấp, gấp quá nên tôi vô ý. Một lần nữa tôi xin lỗi cô.
Cô bé ngước lên, lẳng lặng trao Kình xâu chìa khóa của anh đánh rơi và quay lưng rảo bước.
Kình chỉ kịp nhìn khuôn mặt cô bé, rồi đứng chết trân. Anh nghe như có luồng điện chạy qua người, tê buốt. Anh cảm giác, mình đang bơi và sắp chết chìm trong giếng mắt đen thẳm: đẹp và rất đổi hiền kia. Từ giây phút đó, khuôn mặt tuy không sắc sảo nhưng vô cùng khả ái, với mái tóc nửa lưng gợn sóng của cô bé, đã đóng đinh vào tâm trí anh.
Sắp làm bài tốt nghiệp, trường tổ chức cho học viên đi thực tập. Nhóm của Kình về Tân Thới một tuần.
Hôm rời cù lao, bạn bè kháo nhau nào chuyện đi làm sắp tới, chuyện xây dựng tương lai, rất rôm rã. Riêng Kình ngồi trước mũi đò, nhìn những dề lục bình trôi dập dềnh và thả hồn theo sóng nước. Mấy tháng qua, anh thấy như mình vừa đánh mất cái gì, khiến lòng man mác mãi. Giữa dòng sông rộng, anh muốn ôm tất cả gió vào mình, để xua nỗi buồn không tên tuổi.
Một chiếc đò vừa rời bến, ngược chiều. Kình lơ đãng nhìn sang: trên đò vẫn người và xe cộ, nhất là nhiều hàng hóa gia dụng từ đất liền đưa về vùng xa phố thị. Bỗng nhiên trong lồng ngực Kình, trái tim đập loạn cuồng như muốn vỡ. Anh vừa thấy lại cô bé. Vẫn khuôn mặt vô cùng khả ái, vẫn đôi mắt đen thẫm thánh thiện; vẫn mái tóc nửa lưng gợn sóng tung bay dưới trời lộng gió. Cô bé ngồi hướng mặt ra dòng sông, nên Kình trông rất rõ. Anh muốn gọi thật to, nhưng…
- Lên thôi Kình! Bộ mày định làm thơ về Tân Thới hả?
Bạn bè gọi giật, Kình hoàn hồn đứng dậy, nhảy phóc lên bờ, nhường chỗ cho dòng người bước xuống. Chân đứng trên đất liền, mà hồn anh xuôi theo chuyến đò đang rẽ sóng ra giữa sông, xa tít. Bấy giờ Kình chợt hiểu: mình đã yêu đơn phương cô bé ấy mất rồi.
Nhiều tháng sau, bao lần Kình ghé lại bến đò cũ, mong được thấy cô bé. Dù một lần, để anh được bộc lộ tình cảm sâu kín của mình; nhưng vô vọng. Cả cái tên cô bé, anh cũng chẳng biết.
Rồi hôm nay, Kình gặp lại cô bé trong hoàn cảnh hết sức trớ trêu.
Kình chẳng giải thích được nỗi oái oăm, tại sao không ít lần ba má bảo: "Con lớn rồi, phải tính chuyện gia thất. Chỗ này rất đàng hoàng, lúc sinh thời bác ấy và ba là bạn thâm giao, đã có lời hứa". Anh đã thẳng thừng chối từ. Để rồi Ngư là đứa con luôn làm vui lòng ba má. Ngư đi cưới vợ. Em dâu mình hôm nay, chính là cô bé ấy, tên Kim Thùy!
Kình nghĩ, nếu cuộc đời có cái gọi là "số phận ", thì đây là số phận oan nghiệt nhất đời anh. Kình mang nỗi đắng cay nghẹn uất trong lòng, nhưng phải giả làm vui, vì là ngày hỉ sự của em trai.
…Từng câu chuyện đổi trao, chẳng mấy chốc đã hết lộ trình gần ba mươi cây số. Đến thị trấn huyện tây, Hà Yên và Bảo Ngọc chia tay Kình cùng người cháu họ của anh. Trên đường về nhà, hai cô cứ người này cố tình gán ghép Kình cho người kia, rồi bấm vai nhau cười nghiêng ngửa.
Và chuyện ấy cũng lùi vào dĩ vãng kể từ sau mùa thi tốt nghiệp Phổ Thông năm đó. "Bộ tam" tan rã: Kim Thùy vui bề gia thất, Hà Yên vào trường Y, còn Bảo Ngọc cùng gia đình đi định cư nơi xứ khác.

Yên bước vào lúc Thùy đang rửa chân ngoài sàn nước, quần còn sắn cao quá gối để lộ đôi ống chân tròn chắc nịch. Thoáng thấy bạn, Thùy vội vào, bối rối:
- Nhà ở xa xôi vậy mà Yên vẫn tìm được, thật hay. Mình vừa ra thăm mấy giồng mía mới đặt chiều qua.
Thùy thả hai ống quần xuống giũ giũ, ống quần vải đen, thô cứng và bạc đỏ màu phèn, ngắn trên mắt cá. Thoáng chút ngượng ngùng, Thùy đến bên chiếc bàn gỗ, rót nước mời;
- Uống nước đi Yên, mẹ con mình không quen trà, Yên dùng đỡ nước nguội nha.
Chỉ vào chiếc mùng giăng trên giường kê ở góc nhà, Thùy nói:
- Cháu uống thuốc, bớt ho nên ngủ được. Tội nghiệp, mấy ngày rồi mới có giấc ngủ sâu.
Yên ngồi xuống chiếc ghế bên Thùy:
- Với tao, mày khách sáo chi vậy? Ngày xưa bọn mình chỉ một túm xôi, một cốc nước mà ba đứa chụm đầu chia nhau, có ai mời mọc đâu ?
Vẫn nụ cười thật hiền, nhưng ánh mắt Thùy xa xăm, khi Hà Yên nhắc về kỉ niệm thời áo trắng.
Yên kín đáo đưa mắt nhìn quanh. Căn nhà lá nền đất, gọn gàng sạch sẽ, đồ đạc đơn sơ. Bất chợt, mắt cô dừng lại nơi bàn thờ - phía sau chiếc lư hương bằng sành - khung ảnh bán thân đen trắng được phóng to. Người trong ảnh chính là Ngư, vẫn đôi mắt sáng và nụ cười rộng mở.
Giật thót người. Lay vai bạn, Yên hấp tấp hỏi:
- Ngư…… Ngư… mất bao giờ vậy ?
Đôi mắt Thùy u ẩn:
- Sau ngày cưới hơn một năm, lần đi biển đó anh Ngư không về nữa. Nghe kể lại, dù ba chồng mình và những người đi bạn hết sức can ngăn, nhưng Ngư vẫn quyết tâm lặn xuống sâu để tìm cách cứu bọng lưới đang đầy cá mà mắc kẹt vào cọc đáy. Ngư chết vì cá mập! Yên biết không , khi đó Ngư chưa kịp biết mình vừa cấn thai bé Hạnh…. Người ta kể rằng: Ba chồng mình đã tự tay cắt lưới xả bỏ mẻ cá ấy. Lòng tàu trở về nhẹ tênh, nhưng lòng ba chồng mình thì nặng khẫm nỗi buồn vì mất đứa con yêu quý.
Thùy thở dài, nói tiếp:
- Từ đó gia đình xảy ra nhiều chuyện buồn. Anh Ngư mất như mất một cánh tay, Ba chồng mình sinh ra nát rượu, không ai khuyên can được.
Một chiều tháng mười, mưa lất phất, Ba chồng mình gục bên mâm rượu. Ông ra đi, chén cơm còn lạnh ngắt, chưa một miếng và. Ba chồng mình mất sau Ngư đúng ba tháng.
Hà Yên nghe lòng mình nặng trĩu. Biết an ủi thế nào đây, để bạn vơi nguôi nỗi đau đang vò xé. Yên đang băn khoăn tự day dứt mình, bất chợt từ khung cửa xuất hiện một bé gái. Vai mang cặp, nhảy chân sáo vào nhà, miệng rối rít:
- Thưa mẹ, con đi học mới về.
Định sà vào lòng Thùy, chợt thấy người lạ, cô bé khựng lại. Thùy bảo:
- Con chào dì Yên đi. Dì Yên là bạn học với mẹ ngày trước.
Cô bé đến gần cúi đầu, lễ phép:
- Dạ, cháu chào dì Yên.
Yên nhìn sững con bé. Nó giống Thùy như hai giọt nước. Thùy nói:
- Mình khổ quá nên con sớm vất vả. Hạnh đến trường muộn, mười một tuổi mà mới lên lớp năm. Ngoài giờ học, cháu còn giúp mình nấu cơm, nhổ cỏ, hoặc vô phân cho khóm. Chiều qua, hai mẹ con vừa đặt xong năm líp hom mía.
Cô bé thay đồ xong , chạy ngay xuống bếp. Thùy bảo:
- Mẹ đã nấu cơm, con ra tiệm mua thêm trứng rồi về bẻ bắp non chiên, luộc rau mời dì Yên ăn cơm.
Nghe tiếng "Dạ", Yên xua tay:
- Tao mang thêm thuốc và ít quà đến cho bé Hận, sẽ ở lại chơi với mày đêm nay, sáng mai tao về lại cơ quan. Mày bày vẽ chi, cực cháu Thùy à!.
Yên nói tiếp:
- Bé Hạnh ngoan và giỏi quá.
Thùy nói như tự hào:
- Nó là giọt máu duy nhất của anh Ngư.
"Giọt máu duy nhất của Ngư" ?! Thế còn bé Hận thì sao? Hà Yên boăn khoăn, hay Thùy đã đi bước nữa? Thế người đàn ông ấy đâu rồi, để bạn phải vất vã vậy ?! Không muốn làm bạn thêm tổn thương , nhưng Yên vẫn bứt rứt.
Chẳng kìm lòng được, Yên đành bật ra câu hỏi:
- Vậy …. còn bé Hận ?
Thùy thở dài. Tiếng thở dài, nghe buồn hơn tiếng khóc:
- Yên còn nhớ anh Kình, anh trai của Ngư không ?
- Kình…ư? Tao nhớ chứ. Chính Kình cùng người cháu họ, đã đưa tao và Ngọc trở về huyện Tây, chiều hôm cưới mày mà.
Và Hà Yên không quên nhắc câu nói của Kình: "…Anh sẽ không bao giờ tìm lại được một Kim Thùy thứ hai", đã làm cô thắc mắc khá lâu.
Như được dịp trút nỗi lòng, Thùy kể:
- Mình về làm dâu mấy tháng. Một hôm Ba và Ngư đi biển, má chồng ăn cưới bên ngoại. Anh Kình từ huyện về có hơi rượu. Lúc mình dọn cơm, anh nói bóng gió gần xa. Cuối cùng bảo :"Anh yêu Kim Thùy ngay buổi gặp đầu tiên, anh đã tìm kiếm và chờ đợi đôi mắt dịu hiền từ hai năm nay, để ngày gặp lại, đôi mắt thánh thiện ấy là gai họn đâm buốt tim anh. Anh và Thùy không có lỗi, mà chính ông trời có lỗi…". Nghe anh nói, mình ngớ người. Anh nhắc về sự cố nơi bệnh viện tỉnh và lần nào đó anh đã thấy mình ở bến đò.
Lúc đó mình mới nhớ, lần hè mẹ sai mình đi thăm bà dì mỗ ruột thừa nằm bệnh viện tỉnh. Và người thanh niên chạy như bay làm mình ngã ngày ấy, giờ là Kình - anh chồng mình. Còn lần nào nữa, anh thấy mình trên đò, mình đâu hề hay biết. Nghĩ anh Kình quá say, lại ngại nhà mất hòa khí, nên dù trong lòng nơm nớp sợ, mình cũng chẳng dám hé môi kể sự việc với Ngư.
Sau ngày Ngư mất, biết mình mang thai, anh Kình rất siêng về nhà. Ba chồng mình lúc đó luôn say rượu, nên việc nặng nhọc ở gia đình, anh dành phần gánh đỡ. Láng giềng khen mình có phúc: chồng vừa qua đời, được cả nhà bên chồng quan tâm. Người ta khen, mình càng nhớ Ngư quay quắt: nhớ những vui buồn cùng nhau chia sẻ, nhớ những lời dịu dàng động viên và những cử chỉ ân cần mơn trớn, khi anh sắp xa nhà. (Sau ngày cưới vài tháng, hai ông anh từ Mỹ về rước má mình sang bên ấy định cư, ngôi nhà cũ đã bán cho người khác). Nhớ Ngư, mình đành cắn răng chịu đựng, vì "tứ cố vô thân". Mình sống như con ốc, thu mình trong vỏ.
Mấy tháng sau mình sinh bé Hạnh. Con chào đời không biết mặt cha, mình tủi thân đến ngã bệnh. Má chồng lo cáng đáng chuyện trong ngoài, anh Kình phải xin nghỉ phép để chăm sóc hai mẹ con. Chính sự tử tế của anh, là bàn tay vô hình thấm bớt đi bao dòng nước mắt tủi cực của đứa em dâu sớm góa bụa. Nếu không có anh những ngày đó, chắc mình suy sụp mất. Rồi mình khỏi bệnh. Với tình thương yêu vô bờ của bà của bác, bé Hạnh lớn sởn sơ, đến biết lẫy biết trườn.
Ngày bé Hạnh tròn nôi, cũng là ngày Kình công khai bày tỏ tình cảm của anh. Kình nói: "Trên bước đường công tác, anh từng tiếp xúc và quen nhiều phụ nữ đẹp, nhưng chưa bao giờ anh có ý gắn bó với ai. Trong lòng anh luôn hiện diện hình ảnh cô bé với đôi mắt không bao giờ anh quên được. Vậy mà khi gặp lại, thì cô bé ấy trở thành em dâu mình, anh đau đớn lắm… Bây giờ em trai của anh đã qua đời, anh muốn …..". Tang chồng chưa đoạn, mình chưa lúc nào vơi thương nhớ Ngư. Nhất là không bao giờ mình muốn phản bội anh.
Thùy ngưng kể, bước lại lấy bọc chuối chín ép phơi khô, bày ra dĩa, mời bạn:
- Cây nhà lá vườn, Yên ăn nha. Mai Yên về, cho mình gửi một ít làm quà.
Yên tự nhiên cầm một trái xé từng miếng nhỏ, nhai ngon lành, cô khen:
- Chuối nhiều mật, ngọt ghê.
Thùy cũng nhỏ nhẻ ăn vời bạn. Trong trí cô, hình ảnh đêm mưa năm xưa sống lại như khúc phim quay chậm.
…Sau bữa tiệc nhỏ mừng tròn nôi cho cháu nội, mẹ chồng Thùy đã ngủ. Cô dọn dẹp, tắm rửa xong tắt đèn ngòai, đi nghỉ. Vào phòng nhìn con gái ngủ say tay chân sải rộng, có lẽ trong mơ bé rất vui, nên miệng luôn "chắp, chắp" và môi tươi nở nụ cười. Thùy cúi xuống định hôn "thiên thần bé nhỏ" của mình, chợt…
- Uống chút sửa cho ấm rồi ngủ nghe em.
Thùy giật mình, quay lại. Ngoài trời mưa tí tách, nhìn ly sửa ngút khói trên tay Kình, Thùy xúc động nhớ từng chén thuốc anh sắc cũng nghi ngút khói, nhớ khi Thùy vừa cầm chổi định quét sân, Kình liền dành "em nghỉ đi, còn bệnh mà". Bao nhiêu dòng nhớ chạy qua trí Thùy.
- Em đang nghĩ gì vậy?
Bàn tay nhỏ nhắn của Thùy đang nằm trong bàn tay ấm nóng của anh chồng, cô vội thu tay về. Lúc ấy Thùy bỗng nhớ Ngư vô cùng, nhớ đến nước mắt đong trên khóe. Cô nói khẽ " Thùy cảm ơn, anh Kình về… đi". Chưa hết câu, Thùy đã ngã gọn trong vòng tay ấm áp. Bờ môi cô bị gắn chặt với bờ môi nóng bỏng, ngọt ngào. Thùy lã đi trong cơn mê êm ái, trước mắt cô là hình bóng Ngư đẹp lồng lộng….
- Mày đang mơ gì vậy?
Như kẻ trộm bị bắt quả tang, Thùy nói trong tiếng nấc:
- Yên ơi, chính mình đã phản bội anh Ngư. Mình là người đàn bà đáng bị nguyền rủa. Hơn mười năm rồi, chưa bao giờ mình tha thứ cho bản thân mình. Mình có tội với gia đình chồng và với Ngư nhiều lắm. Nếu không vì bé Hạnh, một sanh linh bé nhỏ vô tội, thì mình đã kết thúc cuộc đời ngay đêm tội lỗi đó.
Mặc dù chuối khô tươm mật rất ngọt, nhưng Bác sĩ Hà Yên nghe cổ họng mình đắng chát. Cô đưa khăn chậm những giọt mồ hôi nhơm nhớp trên trán, như lúc cô đối diện với những ca bệnh phức tạp.
Yên lờ mờ hiểu những gì đã xảy ra trong đời bạn. Cô nghĩ, làm sao trách được phút yếu lòng của người phụ nữ mất chồng khi tuổi còn quá trẻ, bên cạnh lại phủ vây bởi tình yêu chân thành của người anh chồng. Một tình yêu dịu dàng mà mãnh liệt đến cháy bỏng, thì chuyện gì đến tất nhiên sẽ đến thôi. Yên hỏi;
- Rồi mày ra đi từ khi nào?
Giọng Thùy vẫn sũng nước:
- Mình ra đi ngay cái đêm mưa gió định mệnh đó. Mình không trách Kình, bởi anh không cưỡng bức hay ép uổng. Mình chỉ ghê tởm chính bản thân mình. Như chiếc lá rơi tự do, mình bị hút vào cơn lốc dịu ngọt, mà đúng ra mình phải biết kìm chế. Vết thương chồng mất chưa lành, tiếp theo vết thương tội lỗi, bắt mình phải đi thôi. Lây lất cả tuần mình mới đến vùng đất này. Mình muốn đến một nơi không còn gì hệ lụy. Lúc ấy mình mới thấm thía câu "Thân gái dặm trường". Nhiều đêm nhìn con ngủ say, xót lắm, nhưng nhất định không than oán; không để rơi giọt nước mắt. Mình biết trách ai ngoài bản thân? Rồi bé Hận ra đời trong cái chòi nhỏ đủ che mưa nắng. Con vừa tròn tháng, mình để ở nhà: chị trông em. Mình đi làm mướn, chặt tràm phá năng khẩn đất. Tối lửa tắt đèn, láng giềng nương tựa nhau. Lụi hụi mà mẹ con mình đã ăn mười cái Tết ở đây. Cứ nhìn cảnh con ốm yếu bệnh hoạn, bởi một thời vì miếng cơm manh áo mà mình đã bỏ nó lăn lóc, thật khổ tâm lắm.
Hà Yên không hiểu tại sao Thùy tự dằn vặt bản thân mình đến vậy, cô hỏi:
- Bây giờ mẹ con mày sống ra sao ?
Thùy cười nửa miệng:
- Cũng như bao người tới lập nghiệp. Làm ban ngày không hết, mình tranh thủ cả ban đêm. Mình cật lực làm, một phần là lo cho cái bụng của ba mẹ con, một phần để không còn thời gian ám ảnh về quá khứ. Lần hồi mình cũng khẩn hơn mười công đất. Lúc đất còn chua phèn, mình lên giồng trồng khóm , dần dần trồng mì, dây lang, chuối…giờ thì mía và vài loại cây ăn trái. Mình cũng có hơn một công bạch đàn gần tám tuổi. Ở xứ này mẹ con mình sống rất đạm bạc, chẳng thích se sua.
- Rồi từ bấy đến giờ mày có biết tin về gia đình bên chồng không?
Giọng Thùy khẽ khàng:
- Cách nay chưa đầy tháng, anh Kình tìm thăm mình và các con. Gặp nhau, mình ngỡ ngàng tưởng trong mơ. Anh bây giờ rắn rỏi hơn xưa. Thắp nhang cho Ngư xong, anh điềm tĩnh nói với mình: "Em có biết hơn mười năm nay, anh đã ngược xuôi tìm kiếm mẹ con em như thế nào? Em ra đi là mang theo cả cuộc đời của mẹ và anh…". Kình kể, sau ngày mình bồng bé Hạnh bỏ đi, má chồng mình biết sự thật, bà chỉ kêu Trời! Và Kình hứng chịu bao nhiêu lời oán trách. Bà hối Kình phải tìm bằng được mình về cho bà. Hàng đêm thắp nhang cho ba chồng và Ngư, bà van vái mẹ con mình quay trở về. Bà sang tận cù lao tìm, nhưng tất cả vô vọng.
- Sao anh ấy biết mẹ con mày ở đây?
Hà Yên ngắt lời bạn. Giọng Thùy vẫn nhẹ nhàng:
- Năm trước Kình được chuyển về tỉnh công tác. Trong lần xuống kiễm tra ngành dọc huyện này hồi tháng rồi, rất tình cờ Kình biết được tin mình. Do vợ đồng nghiệp của anh, là người thu mua sản phẩm trực tiếp trên đất nhà mình. Biết anh là người Gò Công, chị nói có người quen cũng quê Gò Công và chị kể...
Nghe tin xong, không kịp trở lại cơ quan, anh tuốt ngay xuống đây.
Yên bật cười, lần thứ hai trong ngày, cô thốt:
- Thì ra trái đất vẫn tròn, Thùy hả?
Thùy nhoẻn cười:
- Chiều xuống, trước khi ra về, cầm tay mình, anh nói: " Mẹ ngày càng già, sống trong đơn độc, ôm nỗi nhớ con cháu hoài, tội lắm. Anh van, em đưa con về với mẹ, với bà…Nếu là tội lỗi, thì anh là người mang tội lớn, vì anh rất yêu em…". Thú thật, nhiều năm qua mình rất áy náy mỗi khi nghĩ đến má chồng, song mình chẳng thể quay lại, vì biết bà có tha thứ không? Đến khi nghe Kình kể, mình ngậm ngùi muốn lập tức trở về quì dưới chân má mà nhận lỗi. Mình chỉ xin Kình khoan để bà biết tin về mẹ con mình, bởi một ngày trông ngóng ở người già, nó khắc khoải lắm. Còn chưa đầy tháng nữa đến hè, bé Hạnh kết thúc cấp Một. Mình sẽ đưa hai cháu về với bà nội và lo ngày giỗ cho Ngư. Mình không tưởng tượng cả thời gian dài, má chồng sống trong quạnh hiu, đơn độc. Mình nguyện sẹ bù đắp cho bà những năm tháng còn lại, bằng niềm vui bên con cháu. Từ hôm gặp lại, mỗi tuần: chiều thứ bảy Kình xuống đây thăm mẹ con mình, sáng Chủ nhật về Vàm Láng với mẹ.
Gương mặt bác sĩ Hà Yên chợt rạng rỡ, giọng thật xúc động:
- Thùy à! Tao nghĩ, trên đời này hiếm có người đàn ông tốt và chung thủy như Kình. Mày ra đi hơn mười năm, anh vẫn một lòng chờ đợi và quyết tâm tìm kiếm. Ai cũng có phút yếu lòng, nhưng mày tự đày đọa bản thân ngần ấy năm, để con mày sống trong cảnh thiếu thốn và bi đát, đã quá đủ rồi. Những gì thuộc về quá khứ, hãy để nó ngủ yên. Nghe mày quyết định, hè sẽ đưa hai cháu về với bà; tao mừng, mừng lắm. Tao tin, chốn suối vàng Ngư cũng vui không kém.

Hà Yên thức dậy, trời đã sáng hẳn. Trong bếp mẹ con Thùy đang rang cơm. Rửa mặt xong, Yên bước ra sân. Không khí trong lành của buổi sáng sớm giữa trời đất bao la thoáng đãng, chẳng một tiếng ồn, làm tinh thần Yên phấn chấn.
Đêm qua gà gáy hai lần, bác sĩ Hà Yên vẫn không sao chợp mắt. Trăng thượng tuần treo lơ lững phía tây , hai người bạn nằm nhỏ to tâm sự, đến khi Yên nghe tiếng thở đều và nhẹ của Thùy , biết bạn đã ngủ. Yên nằm lắng nghe tiếng côn trùng rỉ rả, nghe tiếng bắp chuối trổ ngoài thềm, nghe cả tiếng thở của đất và cây cỏ sinh sôi. Hương hoa Huệ ngọt ngào tràn qua cửa sổ. Yên vòng tay ôm Thùy, cô úp mặt vào vai bạn, tìm về kỷ niệm xưa…
- Yên ơi, vô ăn cơm sáng với mẹ con mình.
Thùy trong bếp bước ra, khuôn mặt bén lửa đỏ bừng, Yên ngỡ như ông mặt trời vừa gửi chút nắng hồng trên má bạn. Yên nhoẻn cười:
- Qua đêm, trời sẽ sáng. Vết thương nào rồi cũng lành, nếu mình khéo cứu chữa, Thùy há!.


PHAN NGỌC HẢI


Share This:

Jillur Rahman

I'm Jillur Rahman. A full time web designer. I enjoy to make modern template. I love create blogger template and write about web design, blogger. Now I'm working with Themeforest. You can buy our templates from Themeforest.

2 nhận xét to ''Truyện Ngắn_HAI VẾT THƯƠNG."

ADD COMMENT
  1. Trả lời
    1. NH cản ơn BIỂN HOANG ghé đọc và chia sẻ với HAI VẾT THƯƠNG!
      Mến chúc SỨC KHỎE, BH nhé!

      Xóa

  • To add an Emoticons Show Icons
  • To add code Use [pre]code here[/pre]
  • To add an Image Use [img]IMAGE-URL-HERE[/img]
  • To add Youtube video just paste a video link like http://www.youtube.com/watch?v=0x_gnfpL3RM