Thơ mới nhất:

Menu

Bút Kí_RƯỢU, NỖI ĐAU CÒN ĐÓ!





RƯỢU! NỖI ĐAU … CÒN ĐÓ………
Bút kí của  PHAN NGỌC HẢI
Giải Khuyến khích cuộc Thi Bút Kí Văn Học của Hội PNTG & Hội VNNT TG năm 1993


SÁNG
Năm nào cũng vậy, đến ngày giỗ chồng của Hoa là ba đứa chúng tôi dù ở chân trời góc bễ, vẫn kéo nhau về họp mặt.
Suốt ba năm cuối của bậc Trung học, bốn đứa: Tôi, Lan, Hoa và Hạnh là nhóm bạn chí thân "có một không hai”ở ngôi trường quận lị. Chúng tôi không những gắn bó nhau trên phương diện học hành, mà cả bốn đều là thành viên của một bút nhóm ở Tây Đô dạo ấy.
Nghĩ cuộc đời sẽ xuôi như dòng nước, nên vừa lên "mười hai” chúng tôi cùng hứa: sẽ nắm tay nhau vào Văn khoa sau khi đỗ tú tài toàn phần.
Nhưng thác ghềnh của cuộc sống ngăn chia dòng chảy, mỗi đứa lại đi vào ngã rẽ của đời mình từ sau cái mốc lịch sử tháng tư năm bảy lăm. Có đứa, trước mặt là đại lộ thênh thang đầy ánh sáng; có đứa loay hoay hoài không thoát được ngõ cụt tối tăm.
Hoa, rớt tốt nghiệp, lấy chồng –một anh lính chế độ cũ - người Cái Bè. Chồng Hoa chết vì tai nạn giao thông khi đang say rượu, anh để lại cho Hoa đứa con trai giống mình như đúc.
Lan, học sư phạm, ra trường lập gia đình với người cùng nghề. Đồng lương giáo viên không đủ trang trải sinh hoạt gia đình và hai đứa con nheo nhóc, Lan cùng chồng bỏ nghề, ra thị xã buôn bán. Rồi Lan cũng chẳng khắm khá hơn, bởi Huy – chồngLan - là đệ tử thứ thiệt của Lưu Linh.
Chỉ có Hạnh tốt nghiệp Bách khoa, ra trường làm việc mấy năm, lên nắm Quản đốc phân xưởng của một công ty lớn cấp nhà nước. Giờ Hạnh là trưởng phòng Kĩ thuật của Công ty ấy. Hạnh sống ở thành phố, lập gia đình muộn, mãi đến năm ba mươi lăm tuổi, nó mới chịu nhận lời về "nâng khăn sửa túi” cho một đồng nghiệp. Hạnh có điều kiện đi thăm các nước tiên tiến như người ta đi chợ.
Còn tôi, "nghiệp chướng” đeo mang, nên tình duyên cả đời lận đận, đến bây giờ vẫn là con thuyền lênh đênh giữa biển khơi đầy gió bão….
Mãi 20 năm sau ngày thống nhất đất nước, lần đầu chúng tôi mới có dịp gặp mặt đầy đủ. Dịp đó, là ngày giỗ đầu của Nghĩa, chồng Hoa. Chúng tôi hẹn nhau: mỗi năm một lần, đến ngày ấy dù bận trăm công ngàn việc, cũng ráng gác lại. Và mười lăm năm nay, điều ấy đã thành qui luật.
*
* *
Tuần trước điện cho tôi, Hoa còn nhắc: "Mày nhớ xuống chở Lan nha, nói tao mời cả Huy. Nếu bầu đoàn thê tử của nó cùng lên, tao mừng lắm. Hạnh mới nhắn tao, lần này nó đưa ‘sếp’ nó về và dẫn cả ‘sếp’ con nữa…”. Tôi nghe giọng Hoa vui như Tết.
Sáng nay với những món quà chuẩn bị sẵn, tôi dẫn xe ra mà lòng buồn rười rượi. Chắc lát đây Hoa và Hạnh cũng sẽ không vui.
… Hai hôm trước, tôi xuống thị xã lúc 5 giờ chiều.
Cuối con hẻm nhỏ là mái nhà tôn xập xệ, nóng như nung. Trong ấy, bốn năm người đàn ông xoay trần, say bí tỉ. Đó là Huy, cùng mấy người bạn chạy xich lô, xe kéo…. Trên mặt bàn chỏng chơ mâm bát, li tách cái đầy cái vơi ngổn ngang , lăn lốc. Dưới nền đất, nào xô nước đá, vỏ chai, vỏ ghẹ… bừa bãi. Mùi thức ăn thừa mứa hoà mùi rượu, sặc tanh đến lợm giọng.
Huy chẳng nhận ra tôi, chỉ nói lè nhè mấy câu gì đó, nghe không được. Bốn người bạn, kẻ gục xuống bàn, người ngoẹo đầu trên ghế, và ai đó nôn thốc nôn tháo… Tôi ngao ngán thở dài, bước ra phía sau mang theo cái mùi khó chịu đến kinh người.
Chiều đã tàn.
Căn nhà vẫn tối om, lạnh ngắt. Với tay, tôi lấy chiếc lồng bàn đậy vội nồi cơm nguội không thấy nắp vung, Tiếng mũi bay vo ve trong góc nhà như tiếng sáo.
Liền kề sau vách nhà Lan, là căn nhà nhỏ nhưng tươm tất. Một phụ nữ trạc gần sáu mươi, thấy tôi bước ra, lắc đầu nói:
- Khổ thân cô ấy, chắc giờ cũng gần về. Cô là bạn hay khách đến đòi tiền rượu?
Tôi mĩm cười, bảo là bạn học của Lan ngày xưa, lâu ngày tìm thăm. Tôi hỏi về hoàn cảnh của Lan, bà bùi ngùi chia xẻ:
… Dạo hai người mới cưới nhau, gia đình hai bên cũng giúp đỡ vốn liếng làm ăn. Lan ra một cái sạp ngoài chợ, hai vợ chồng buôn bán đủ thứ, có đồng ra đồng vào. Lan chạy vay thêm, mua chiếc Honda cho Huy làm chân chở bánh kẹo lấy từ lò, đi bỏ mối cho các tiệm quán vùng ven. Phải nói, công việc đó Huy làm ra tiền lắm, nhưng tiền càng nhiều, Huy càng nhậu dữ.
Rồi Huy bán Honda mua chiếc xích lô. Từ đó Huy càng đổ đốn, chạy bao nhiêu tiền là đổ vào rượu bấy nhiêu. Chiều nào về, người cũng lôi thôi, lếch thếch, miệng như hủ hèm, lao vào nhà càm ràm mấy câu là đánh giấc cho đến sáng, bảnh mắt lại đi tiếp. Ngày nào không uống ở ngoài thì về tụ tập lũ "thiên lôi” đến bù khú. Lúc chạy ế không đủ tiền nhậu, về khảo vợ. Bằng không thì mua chịu, lâu lâu chủ quán đến đòi, cô ấy phải trả. Hai đứa con gái học hành chưa tới đâu, bỏ ngang lăn vào đời tìm miếng sống. Đứa lớn theo chồng, làm ăn xa xứ. Đứa nhỏ lén lút làm cái nghề không trong sạch, có con đem về bỏ mẹ nuôi, cuộc sống như con thiêu thân….
- Trời ơi là trời! Chồng với con, ngày nào cũng như ngày ấy. Sao tui không chết quách đi, sống chi mà khổ quá nè trời?
Nghe tiếng la uất nghẹn trước cửa, tôi vội bước vào nhà.
Lan buông gánh xuống đất, bên cạnh là đứa bé gái tuổi lên năm lên sáu, người hom hem quần áo nhếch nhác, nó đưa mắt nhìn tôi thao láo. Tôi nghĩ nó là cháu ngoại của Lan…
Lan với tay bật đèn. Ánh sáng vàng ệch từ chiếc bóng tròn 75w, không đủ xua cái ngột ngạt và u tối của căn nhà ẩm thấp. Tôi chợt nao lòng khi thấy cả hai đầu gánh chỉ có túm gạo và loe hoe mấy ngọn cải.
Lan ngó tôi trân trân, thoáng chút ngạc nhiên rồi nó lao đến ôm chầm lấy tôi, khóc tức tửi:
- Mình khổ quá H ơi! Trời có đày ai gặp cảnh chồng con như mình không hở H?
Tôi đứng chết lặng, ngậm ngùi. Không ngờ chỉ qua một năm chưa gặp lại mà Lan tiều tụy đến thế.
Đâu rồi một Lan của ngày xưa tuổi đôi mươi, mười tám? Thuở mắt cười môi thắm, ngoài chuyện học hành chỉ gửi mộng vào Thơ. Trước mắt tôi bây giờ, một Lan gian truân, vai gánh nặng nợ đời, đôi cửa sổ linh hồn u uất chứa nhũng lo toan.
Nhớ năm trước gặp nhau trong ngày giỗ Nghĩa, bạn bè hỏi thăm –Lan chỉ cười buồn và than thở về tật nhậu của Huy. Rồi nó quay sang tôi, nửa đùa nửa thật:
- Không lấy chồng như bồ xem ra mà có lí. Tuổi Giáp Ngọ tụi mình gian truân lắm. Nếu như chọn giữa: Cái chết và lấy một người chồng luôn say xỉn, chắc mình chọn "cái chết” thôi.
Đang vui, khuôn mặt Hoa bỗng sa sầm, thẳm sâu trong đáy mắt ấy, cơn bão lòng đang quăng quật. Có lẽ nỗi đau về Nghĩa – cũng vì rượu mà vong thân – luôn ám ảnh Hoa, nó đâm chiêu, nói:
- Đừng đổ thừa "tuổi” tụi mày ạ! Chớ nhỏ Hạnh chẳng Giáp Ngọ đó sao? Số phận mỗi con người, Trời kêu ai, nấy "dạ” !
Câu chuyện vẫn nổ như bắp, lúc vui lúc buồn. Lan chẳng hé răng kể khổ, nên chúng tôi hoàn toàn không hình dung nổi hoàn cảnh bi đát mà Lan đang phải gánh chịu.
Tôi thấy đôi vai Lan như oằn xuống, vì nặng nợ đời, nặng cả nợ chồng con.
Ngồi với Lan một hồi, tôi thấy mình như bất lực trước hoàn cảnh của bạn. Tôi từ giã, lòng nặng trĩu, khi Lan nói:
- Xin lỗi Hoa dùm mình, lần giỗ này của Nghĩa ….
Tôi im lặng, gật đầu. Những giọt nước mắt của Lan nhuộm đắng lòng tôi.
Gió về mơn man những vòm cây trên phố. Thị xã sáng rực hoa đèn. Ngang công viên Trương Định, nhiều đôi vợ chồng trẻ đưa nhau dạo phố, tôi chạnh lòng nghĩ đến Lan và đứa cháu ngoại giờ này chưa có bữa cơm chiều.
*
* *
Cũng như mọi năm, đám giỗ của Nghĩa lần này vẫn đông vui. Bà con họ tộc hai bên tề tựu đầy đủ, điều đó cũng an ủi và làm ấm lòng Hoa.
Chúng tôi gặp nhau tay bắt mặt mừng. Câu chuyện như dòng thác không dứt, nhưng trong lòng mỗi đứa không giấu được nỗi bồn về sự vắng mặt của Lan.
Khách về hết, Quí – con trai Hoa – đưa chồng và con của Hạnh ra vườn bẻ trái cây. Ba chúng tôi ngồi nói chuyện rất nhiều về Lan. Cuối cùng Hạnh dứt khoát:
- Chiều nay để anh ấy cùng bé Vũ về Sài gòn trước, mình ở lại. Sáng mai mình với Hoa xuống, bồ dẫn đến nhà Lan nha. Là bạn thân, tụi mình phải tìm cách giúp nó chứ.
Tôi nói:
- Lan là đứa tự trọng, nhất là trong hoàn cảnh này nó rất mặc cảm. Bận trước gặp tụi mình, nó chớ hề hé môi than khổ. Giúp tiền bạc cho Lan lúc này, mình e không phải là cách tốt nhất. Cái cần tháo gỡ là làm sao để Huy thôi uống rượu và quay về làm ăn cùng vợ.
Giọng Hoa đanh lại:
- Nếu mình là Chính phủ, mình sẽ ban hành luật "Triệt để nghiêm cấm rượu”, ai vi phạm sẽ ghép vào trọng tội, tùy theo mức độ mà xử lí để làm gương cho kẻ khác.
Hạnh cười xòa:
- Thôi đi mày ơi! Chính vì vậy mà suốt đời mày vẫn là con Hoa góa chồng, chứ bao giờ làm được Chính phủ. Chỉ thị 351/TTCP, chẳng một dạo được ban hành cả nước đó sao ….?
Mãi nói chuyện và bày phương cách tháo gỡ cho Lan, gần mười hai giờ tôi quyết định ra về.
Tiễn tôi tận cổng, Hoa và Hạnh còn dặn:
- Sớm mai tụi tao sẽ xuống. Nhất định mày đợi nha.

TRƯA
- Cô ba ơi! Người ta mới đưa Bác Hai vô bệnh viện rồi.
Vừa vượt hơn sáu mươi cây số từ Cái bè về nhà – giữa trưa đúng Ngọ, dưới cái nắng ai oán, mồ hôi giọt ngắn giọt dài – nghe đứa cháu nói với giọng hốt hoảng, tôi sững sờ, tay chân rã rời. Tôi chỉ hỏi mỗi câu:
- Tại sao vậy ?
Thằng bé nói trong nước mắt:
- Hồi sáng, bác Hai đi đám giỗ trong dượng tư, nhậu say rồi hôn mê bất tỉnh. Ba đã đi làm, người ta đưa bác vào bệnh viện rồi gọi điện cho ba. Ba mới về và vô trỏng rồi.
"Trời ơi, lại Rượu nữa!”
Tôi ôm đầu, đứng không muốn vững. Ngoài trời nắng đổ như lửa, trong lòng tôi còn bỏng rát hơn cả cái nắng.
… Thuở sinh thời, ba má tôi có ba người con. Tôi là đứa con gái chính giữa một anh trai và một em trai.
Nghe kể lại: Má tôi sinh tất cả mười ba lượt. Nếu tính thứ tự anh lớn là thứ hai, thì anh tôi bây giờ là thứ sáu, tôi thứ chín và em trai tôi hiện tại tới thứ … mười bốn. Các anh chị em tôi chưa tròn nôi thì đã chết, cuối cùng còn lại "ba móng”, ba tôi đôn lên: thứ hai, thứ ba và thứ tư là út rốt, nên anh em chúng tôi tuổi tác chênh lệch nhau xa lắc.
Chúng tôi thuộc loại "con cầu, con khẩn”. Chính vì thế, dù gia đình nghèo ở nông thôn nhưng ba má tôi vẫn cố "trần lưng vắt sức” nuôi chúng tôi an nhiên đến trường.
Có lẽ anh trai tôi là đứa con đầu "giữ lại được”, nên cả hai bên nội ngoại đều cưng chiều từ trứng nước. Cũng nghe kể lại: khi anh tôi lên bốn lên năm (cái tuổi chạy nhảy), để ba má tôi yên tâm đi làm, ông ngoại dù tuổi đã ngoài bảy mươi, nhưng vẫn luôn bế anh trên tay. Không bao giờ Ông để anh cất tiếng khóc. Ông thường dụi đám râu bạc cước của mình vào ngực anh mà nựng nịu, đớt đát: "Cháu của ông là cục vàng, cục bạc”.
Anh ôm cặp tới trường, ông đã qua đời, gia đình vẫn tiếp tục cưng chiều anh như trước. Má tôi đặt nhiều kì vọng nơi anh, nhưng tiếc – má tôi qua đời sớm quá. Không hiểu, có phải từ sự mất mát, hụt hẩng lớn lao đó… mà anh tôi sa vào men rượu khi tuổi đời còn rất trẻ ?! Đã bao năm qua, từ một thanh niên trí thức, anh trở thành người nát rượu. Một khoảng thời gian dài, đủ để men cay đốt phá sức lực, bào mòn tâm trí. Nhất là để lại trong tâm hồn anh những dấu ấn đau buồn khó quên. Và bây giờ ở cái tuổi sáu mươi vẫn chưa một lần xây mái ấm.
Gia đình ít người, nên tất cả tình thương máu thịt, hai chị em tôi và cả hai đứa cháu (con đứa em trai) đều dành hết cho anh. Nhất là mười năm nay, từ khi ba tôi theo người bạn đời quá cố về cõi vĩnh hằng, trong nhà từ đó nhất nhất điều gì dù lớn hay nhỏ - trước khi quyết định- chúng tôi đều hỏi và chờ ý kiến của anh. Chúng tôi luôn kính trọng và dành cho anh bốn chữ "quyền huynh thế phụ”.
Vậy mà nhiều lúc phải chứng kiến những cảnh đau lòng như thế này, tôi buồn thắt ruột nhưng không khóc nổi.
*
* *
Tôi đến nơi, anh vẫn còn nằm ở phòng cấp cứu, nhưng đã tỉnh. Những người quen ban nãy đưa anh tôi vào, giờ đã về hết, chỉ còn em tôi ngồi ở mép giường, phe phẩy quạt cho anh, gương mặt nó buồn se sắt. Nét mệt mỏi vẫn còn hằn lên khuôn mặt xanh tái, bơ phờ của anh. Tôi muốn trách anh một câu, nhưng không nỡ. Nhìn từng giọt nước biển nhịp nhàng được truyền vào cánh tay anh, tôi thấy như từng nhịp trái tim tôi co thắt.
Tôi nhớ lại –cũng phòng cấp cứu này, bốn năm trước - trong một lần say rượu anh tôi trúng gió suýt chết, được đưa vào đây. Y, Bác sĩ tưởng rằng đã bó tay tuyệt vọng. Ba tôi đã khóc. Lần thứ hai trong đời, tôi thấy những giọt nước mắt mờ đục của ba lăn trên đôi má nhăn nheo (lúc đó ba đã gần tám mươi ). Lần đầu tiên, tôi chứng kiến nước mắt của ba tôi hòa với những giọt mưa chiều, lúc người ta hạ huyệt đưa quan tài má tôi vào lòng đất. Nỗi buồn ấy tuy thê thiết, nhưng không xa xót bằng những giọt nước mắt già nua, âm thầm… của "Tre khóc măng” lúc anh tôi trước lưỡi hái tử thần. Trời Gò Công tây hôm ấy không mưa, trước thềm bệnh viện ngập đầy hoa nắng, thế mà dáng ba tôi đứng rũ ra như thân cây chuối bị táp lửa. Lòng tôi vô cùng nhức nhối.
… Nhưng rồi, như có phép màu, anh tôi thoát khỏi được bàn tay thần chết.
Dứt hai chai nước biển, bác sĩ cho anh tôi xuất viện về nhà tịnh dưỡng. Nhậu rồi không ăn uống, người anh tôi xanh rớt và yếu như bún. Anh nằm trên đi-văng, mắt nhắm nghiền, mặc những lời khuyên nhủ của cô bác kẻ xa người gần đến thăm.
Có người lên án tệ nạn uống rượu rất gắt gao. Có người bài xích rượu, cho rằng chính rượu là thủ phạm làm tan cửa nát nhà, làm khuynh đảo đạo đức con người.
Bất chợt tôi nhớ câu nói của Hoa lúc trưa: "Nếu mình là Chính phủ, mình sẽ ban hành luật –nghiêm cấm triệt để: bán rượu, uống rượu. Ai vi phạm sẽ ghép vào trọng tội, tùy mức độ mà sử lí để làm gương cho kẻ khác…” Tôi hiểu Nghĩa chết vì tai nạn giao thông trong cơn say. Anh ra đi để lại cho Hoa nỗi buồn và gánh nặng của người cô phụ. Vì thế, Hoa luôn cất giữ bên lòng mối hận đối với rượu và thường ác cảm với những ai uống rượu.
Thật ra người uống rượu chẳng có gì xấu cả.. Nếu uống có chừng mực, nó còn thể hiện đúng hành vi Văn hóa của người việt Nam. Người xưa quan niệm: người đàn ông không biết uống rượu, chưa phải là người đàn ông hoàn hảo. Thế mới có câu: "Nam vô tửu như Kỳ vô phong”
Người xưa cũng thường nói: "Vô tửu bất thành lễ”, rượu là sứ giả bao câu chuyện. Cưới hỏi, tiệc tùng hoặc trước khi trình bày một vấn đề quan trọng với họ hàng bề trên… thì khay trầu rượu là điều tất yếu phải có. Như vậy đủ chứng tỏ chun rượu trong nghi lễ, có tầm ảnh hưởng như thế nào?!
Nào rượu tạm biệt người đi "Tiễn đưa một chén quan hà” – Nguyễn Du. Nào rượu buồn nơi lữ thứ "Mượn chén giải u tình” – Mạc Đỉnh Chi. Nào rượu khóc bạn "Chén quỳnh tương ôm ấp bầu Xuân” – Nguyễn Khuyến. Nào rượu tế chiến sĩ trận vong "Nhớ khi chén rượu rót đầu ghềnh” – Nguyễn văn Thành. Nào uống chơi nhà "Gật gù tay đủa tay chén” – Nguyễn Khuyến. Nào rượu ngẫu hứng lúc tuổi già "Trong li rượu thọ ánh Xuân tươi” – Nguyễn Bỉnh Khiêm …(T.D)
Thế thì bản thân của rượu vẫn là cái cao đẹp và người uống rượu chính là người thực hiện cái cao đẹp ấy. Vậy tại sao bao nhiêu phiền nhiễu, bao nhiêu tệ nạn đã xảy ra… đa số hậu quả đều bắt đầu từ RƯỢU.?
Đã có lần trong tranh luận về rượu, một chị bạn cũng là Hội viên hội văn nghệ tỉnh nhà, nói với tôi: "Hãy thương hơn những người say rượu, vì trong họ đang khiếm khuyết một chất gì đó, không đầy đủ như mình…”.
Tôi im lặng, mặc dù không đồng tình với chị.
Tôi nghĩ: những tệ hại xảy ra, là do người uống rượu không làm chủ được bản thân. Frank từng nói: "Kẻ duy nhất có thể lôi cuốn bạn vào vùng rượu chè, trộm cắp … chính là bản thân bạn đó”. Thử nhìn lại phong cách uống rượu ngày xưa và uống rượu bây giờ, sẽ rõ.
Thuở sinh thời, má tôi thường kể: hai ông Ngoại và Nội tôi đều uống rượu. Uống kiểu thưởng thức, uống để nói chuyện tình chuyện nghĩa, uống làm ngon bữa cơm.
Rượu ngày xưa được cất bằng nếp ủ lên men, nước rượu trong vắt như mắt mèo. Cầm nhạu trên tay rót vào chiếc "chun mắt trâu” nhỏ xíu, rượu mới sóng sánh nửa chun, mà bọt sủi tăm đầy tràn rồi. Mùi rượu thơm, cay nồng. Nhắp một ngụm, rượu đi đến đâu, người lâng lâng đến đó…Còn rượu bây giờ, người bán chạy theo lợi nhuận, cần lượng chứ chẳng cần chất. Họ nấu bằng tấm, bằng gạo, đôi khi bằng bã mía. Nếu rượu lạt, cứ chăm cồn 90 độ là xong.
Giá thành một giạ nếp đã hai trăm ngàn đồng, nấu được tám lít rượu, thì một lít rượu phải bán từ hai mươi tám đến ba mươi ngàn, người nấu mới có lãi. Vậy mà rượu ở tiệm quán giờ chỉ giao động từ mười hai đến mười lăm ngàn, nên lấy đâu ra chất lượng? Chính vì rượu không chất lượng lại nhiều độc tố, nên người uống dễ bị tổn hại sức khỏe.
Người uống rượu hôm nay cũng khác người uống rượu ngày xưa nhiều lắm. Họ không còn uống bằng chun và rót bằng nhạu nữa. Họ "nốc” bằng li, bằng cốc, họ "tu” bằng chai, bằng bình.
Cách đây hai năm, tôi chứng kiến tận mắt chuyện xảy ra trong bữa "hậu thường” đám giỗ nhà chú tôi ở Bình phục nhứt (Chợ Gạo). Quanh một bàn tròn, hơn chục người trẻ. Ban đầu mời qua lại vòng tròn, mỗi người một cốc (loại hai cốc một xị), đến vòng sau họ thách uống bằng li cối. Khi men rượu đã ngấm, họ cá độ nhau: cầm chai tu bằng lỗ mũi. Tôi không đủ can đảm nhìn một thanh niên mặt đỏ như gấc chín, đứng dậy ngửa cổ, một tay che một lỗ mũi, tay kia cầm chai rượu dốc vào lỗ mũi còn lại… tu ừng ực. Vòng trong vòng ngoài, mọi người vỗ tay cổ vũ rần rần.
Tôi kịp mở mắt khi có tiếng la thất thanh, rồi nhiều người la như ong vỡ tổ. Tôi bàng hòang khi thấy cậu thanh niên ấy đang vật vã ra đất, ngất đi.
Hậu quả của trò chơi rồ dại là cậu ấy phải nằm viện một tuần. Tôi nghĩ: uống rượu như thế, thì sức voi cũng chịu không nổi huống chi là con người.
Người uống rượu quá độ thường không kiểm soát được ngôn ngữ, hành vi của mình. Có người uống rượu về, đập phá đồ đạc, hành hạ người thân. Tôi có ông anh con bà dì ruột, thời trai trẻ hay lam hay làm. Đến khi sa ngã vào rượu lại sinh tật đánh đập vợ con, càng ngày đi đến cảnh gia đình li tán. Rồi một lần trong cơn say anh lăn ra ngủ, tỉnh dậy một nửa người anh không cử động được. Mấy năm qua anh sống lây lất cảnh bán thân bất toại, vợ con hành hạ lại. Tôi xót xa mỗi lần thăm anh và thầm nghĩ: bấy giờ chắc anh đang căm ghét Rượu và thấm thía hai chữ Nhân – Quả?
Tôi không thể tưởng tượng khi nghe một bác đang nuôi người nhà bệnh nằm cùng phòng với anh tôi, kể: tháng trước đám cưới thằng con út, khách mời cả nam lẫn nữ vừa đúng năm trăm và tiêu pha hơn ba trăm lít rượu.
Giữa lúc đất nước đang cần sự tiết kiệm của từng người dân về mọi mặt, giữa lúc xã hội còn nhiều và rất nhiều hoàn cảnh thương tâm, cần sự giúp đỡ , đùm bọc của tha nhân; thế mà vẫn có những dạng người tiêu pha, phung phí lại độc hại như thế, quả là chuyện đáng buồn.

TỐI
Cô bác dần về hết khi anh tôi có những tiếng ngáy dài.
Dọn dẹp xong đã quá nửa đêm, tôi buông mùng ngã lưng, thèm một giấc ngủ sâu. Mới chợp mắt, tôi bị đánh thức một cách tức tưởi, bởi nhà đối diện vang vọng tiếng la, tiếng chửi hòa tiếng chó sủa rân trời.
Bình thường, ai cũng biết đó là cái lệ của ông T sau khi uống rượu. Nghe tiếng chân ông về từ cửa, vợ con trong nhà dù thức hay ngủ, cũng lặng phăng phắc. Thế là ông bắt đầu chửi và hàng xóm phải chịu đựng.
Tôi chỉ hình dung cái chửi của Chí Phèo qua ngòi bút tuyệt vời của Nam Cao. Còn tôi đã chứng kiến cái chửi của ông T từng đêm, từng đêm. Ông chửi có lớp lang thứ tự. Đầu tiên, đi nhậu về tới cửa ông rì rầm chửi chó mắng mèo, chó mèo là thú vật nên lặng tiếng im hơi. Ông quay sang lớn tiếng chửi vợ chửi con, vợ con không dám trả lời, ông liền gọi đích danh cha mẹ mình ra mà trách, mà kể tội, nhưng cha mẹ ông qua đời từ lâu lắm. Ông chửi từng người trong xóm, rồi chửi cả chính quyền địa phương… Họ cũng mời ông đến tổ tự quản, đến Công an ấp, xã để kiểm điểm. Lúc không uống rượu, ông sợ lắm, hứa hẹn đủ điều… vậy mà khi thần men nhập, đối với ông – trời đất chỉ bằng vung. Ông cứ chửi, hàng xóm cứ phải nghe.
Bấy nhiêu đó, như một điệp khúc lặp đi lặp lại mãi từng đêm, năm này sang năm khác. Nỗi khó chịu đã trở thành thói quen của mọi người trong xóm. Nếu lúc nào đó ông ngã bệnh, vắng nghe tiếng chửi quen thuộc, người ta lại nhắc. Chính tôi cũng cảm thấy mọi thứ trở thành bình thường, như bản tin tới giờ phải phát…. Nhưng đêm nay, sau một ngày mệt mõi vì phải vượt đường xa ăn giỗ, vì phải đối phó với bao lo âu trước tình huống của anh tôi … nên từng tiếng chửi của ông T trong đêm thanh vắng thế này – như từng mũi kim xâu vào óc tôi – nhức nhối, nhức nhối vô cùng.
Trong xóm, gà đã gáy vang mấy bận nhưng tôi không sao chợp mắt, hai mi tê cứng. Bao nhiêu nỗi buồn lo về anh tôi trong những ngày tháng tới: tưởng rằng sau lần "chết hụt” trước, anh sẽ tỉnh ngộ và chia tay hẳn với rượu. Vậy mà không hiểu sao rượu vẫn là sức mạnh vô hình, luôn lôi kéo anh tôi? Nó mạnh hơn lời khuyên tha thiết của người cha, mạnh hơn những câu năn nỉ chân thành của em út… Và tôi nghĩ đến ngày mai, ba chúng tôi đến nhà Lan. Rồi sẽ giúp được gì cho bạn khi mà chúng tôi chỉ đến trong chốc lát, còn chất men cay thì đã lậm vào xương tủy của Huy từ lâu lắm rồi.
Tôi không bao giờ khóc mỗi khi gặp chuyện buồn. Vậy mà bây giờ trước nỗi uất nghẹn trào lòng, tôi muốn hét thật to, to hơn cả tiếng chửi của ông T, rằng: "RƯỢU, NỖI ĐAU CÒN ĐÓ !!

Gò Công tây, những ngày mưa đầu mùa!

PHAN NGỌC HẢI


Share This:

Jillur Rahman

I'm Jillur Rahman. A full time web designer. I enjoy to make modern template. I love create blogger template and write about web design, blogger. Now I'm working with Themeforest. You can buy our templates from Themeforest.

No Comment to " Bút Kí_RƯỢU, NỖI ĐAU CÒN ĐÓ! "

  • To add an Emoticons Show Icons
  • To add code Use [pre]code here[/pre]
  • To add an Image Use [img]IMAGE-URL-HERE[/img]
  • To add Youtube video just paste a video link like http://www.youtube.com/watch?v=0x_gnfpL3RM