Thơ mới nhất:

Menu

Bài viết của ĐỖ KIM TOÀN.


CHÚT ẤM ÁP
Cảm nhận - Gửi bởi: Đỗ Kim Toàn - 23/01/2013 | 02:01

"Phía sau tình buồn,
là gì hở anh?
Là hai chiếc lá,
rơi vào thinh lặng,
và khoảng cách
giữa hai miền...xa thẳm,
mỗi chiều buông....
(Phía sau tình buồn-PNH)

Thỉnh thoảng mới vào trang thơ Phạn Ngọc Hải. Lần nào cũng ngỡ ngàng. Xin được cô giáo dạy Toán làm Thơ thứ lỗi vì một thống kê có tính số học như thế này :
"Nhớ" (30-12-2012), "Trắng" (30-12-2012), "Người ra đi" (5-1-2013), "Chủ nhật...Mưa" (6-1-2013), "Mùa ấm" (7-1-2013), "Tình biển"(7-1-2013), "Chia đôi"(7-1-2013), "Thả buồn"(7-1-2013), "Xin đừng trách"(9-1-2013), "Thương tôi"(10-1-2013), ...
Đó là tên các bài thơ và ngày tháng năm mỗi bài được tác giả viết ra. Làm thơ không giống như các công việc khác. Thậm chí cũng sử dụng ngôn ngữ nhưng không giống viết truyện và viết kịch. Thơ chính là nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất của trí tưởng tượng.
Thơ cần có cảm xúc. Chỉ khi cảm xúc đạt đến độ chín thì thơ mới xuất hiện.
Nhà thơ Xuân Diệu với hai tập "Thơ thơ" và "Gửi hương cho gió" đã đĩnh đạc đi vào thi đàn của những nhà thơ mới những năm đầu thế kỷ 20 với một ví thế của mình. Với "Ngọn quốc kỳ " và "Hội nghị non sông" nhà thơ đã cầm tấm thị thực bước vào vương quốc thơ ca cách mạng. Cả một đời làm thơ Xuân Diệu đã góp cho nền thơ ca nước nhà đến 15 tập thơ và gần 500 bài thơ ( có rất nhiều bài còn chưa công bố). Nhưng. Người đọc nhớ đến Xuân Diệu là nhớ đến nhà thơ tình hay nhất của phong trào thơ mới 30-45 thế kỷ trước. Phần làm nên một ông hoàng thơ tình Xuân Diệu chính là thi hứng, là xúc cảm thơ ca.
Cảm xúc đã tạo ra "Quê hương" của Giang Nam, "Núi đôi" của Vũ Cao, "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan, "Bên kia Sông Đuống" của Hoàng Cầm…. Đó là những bài thơ để đời, đó là khi cảm xúc đã thăng hoa!
Lạm bàn một chút để thấy cảm xúc cần đến mấy cho thơ ra đời và càng cần để có những bài thơ hay. Thật ngạc nhiên. Phan Ngọc Hải thật sự có một thi hứng dồi dào. Nếu thi hứng không dồi dào thì làm sao có thể viết nhanh và nhiều đến thế? Như một cô gà dễ thương và những quả trứng hồng, ngày ngày NH đem đến cho đời biết mấy niềm vui... Nhưng, nếu chỉ có thế thì, mỗi  bài thơ của Ngọc Hải đều có nhãn tự. Những con mắt chữ long lanh làm xốn xang lòng người đọc.

Tôi vẫn nhớ
Ngàn đời vẫn nhớ,
Những ngày vui
ngắn ngủi qua mau,

Giờ ngoảnh lại-
Một trang Tình Lỡ
Tôi ngậm ngùi-
Khâu góc tim đau !!!
(Nhớ)
Người ta cảm thấy rờn rợn bởi màu trắng lạnh lẽo trong bài thơ "Trắng" - Tiêu đề bài chỉ có một chữ "trắng" thế mà tất cả câu chữ đều trắng toát . Từ "môi cười màu trắng" đến"Tình chưa thắm - bạc vôi ... tang trắng" .Thậm chí những câu thơ chẳng có một chữ trắng nào nhưng sắc trắng vẫn cứ hiện hiện :

"Nghe rợn người ... lời nói yêu thương "

Lời nói yêu thương mà như thế thì chỉ là lời nói của hồn ma ở nghĩa địa! Và ngay cách kết thúc bài bằng một cái dấu chấm hết ( . / . ) đầy đoạn tuyệt cũng nhuốm màu trăng trắng. Nhưng đằng sau sự hờn dỗi bất thường ấy lại là một tấm lòng nồng nàn thương yêu. Đây, người ra đi mà buồn thế này ư?

Người ra đi !
Mùa không nắng đổ
Trời tháng giêng
Mây trắng lưa thưa
(Người ra đi)

Những câu thơ đầy màu sắc. Những màu lạnh làm không gian như loãng ra! Con người bỗng trở nên bé nhỏ và cô đơn. Một từ "lưa thưa" hay đến mức không thể thay bất cứ một từ nào khác . Đã thế, làm sao lại đến nỗi này:

Phút khinh suất-
Cả đời ... day dứt
Tình trắng tay!
Suốt kiếp ... ngậm ngùi
(Chủ nhật ... Mưa)

Và đây nữa, "mùa ấm" mà lạnh buốt vẫn ùa vào :

Mười ngón tay
đan kín nỗi buồn
Hồn ta-
Biển tím giữa hoàng hôn
(Mùa ấm)

Thật may! Đó không phải là tất cả. Đây mới là Phan Ngọc Hải :

Sáng nay
Hái sợi tơ trời mỏng,
Nghe xuân ẩn hiện ở đâu đây ?
(Mùa ấm)

Những hình tượng thơ thật đắt. "Mùa ấm", một bài thơ với bao nhiêu con mắt chữ long lanh. Khác nào những ngôi sao giữa bầu trời.Lại nữa, đến nỗi buồn cũng biến thành một cánh diều:

Tôi thả buồn theo gió,
Bay về miền xa xôi
(Thả buồn)

Giờ thả buồn theo gió,
Tôi về miền không anh
Tìm vui bên cây cỏ
Dỗ câu thơ an lành!
(Thả buồn)

Có những vần thơ hay như những câu thơ tình của thế kỷ trước:

Ôm mộng cũ
Ngủ trên đồi...Yêu, Nhớ!
Cùng trăng sao,
nhã nhạc với cỏ cây
Thà trọn kiếp
đau chuyện tình ... dang dở
Thắp trầm hương ...
Xa lánh ... chuyện ... bèo mây !!!
(Thương tôi)

Những bài thơ hay mà bài nào cũng long lanh ánh mắt diệu huyền khiến cho có CM thấy hay quá khuyên Ngọc Hải gửi đăng báo để cho nhiều người được đọc, mà quên đi bây giờ người đọc không chỉ tìm đến thơ từ báo viết, mà có khi, lại nhiều hơn, tìm đến thơ trên báo mạng .Họ đọc. Yên lặng ... xúc cảm cùng với những cảm xúc của nhà thơ ! Không thể không nói đến điều này. Hình như Ngọc Hải không có sự chuẩn bị cho việc làm thơ. Cái cô thi sĩ "Làm hết mình/ Chơi hết mình" (Tự họa) cầm bút là viết liến thoắng bởi không nhanh, thi hứng bay đi mất là cụt hứng! Cho nên, những cấu trúc của các bài thơ không do bất cứ một thể loại nào trói buộc mà do cảm xúc cụ thể bất chợt tạo nên.
Bài thơ "Thả buồn" được tạo thành bởi những câu thơ 5 chữ. Cảm xúc liên tiếp tạo ra những câu thơ 5 chữ. Một nỗi buồn đang bay lơ lửng về miền không anh bỗng nhiên đứt đoạn thế là câu thơ thành ra thế này :

Tôi thả buồn ...Buồn ơi !!!
(Thả buồn)

Nếu cứ cố tình cắt mạch câu thơ xem, thi tứ sẽ không phải là "Thả buồn" nữa.Đa số các câu thơ trong các bài thơ đều không theo một qui tắc định sẵn. Có những câu thơ bị cắt ra như thế này nhưng hương vị ca dao thật đậm đà:

Nỗi buồn rụng xuống hồn tôi
Anh giang tay đón
Chia đôi
mỗi người
Phần tôi-
trái ngọt, hương tươi
Bao nhiêu chát đắng
nỗi đời ...anh mang !
( Chia đôi)

Hoặc phảng phất thơ Đường luật trong những câu thơ 7 chữ bị chia 5 xẻ 7:

Mười ngón tay
đan kín nỗi buồn
Hồn ta –
Biển tím giữa hoàng hôn
Cõi tình đã khép từ đông buốt
Sao máu trong tim ...
vẫn loạn cuồng ?
( Mùa ấm)

Ngày xưa, khi Nguyễn Vĩ viết bài "Sương rơi":

Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu ...
Nhưng hơi
Gió bấc
Lạnh lùng
Hưu hắt
Thấm vào
Em ơi...

Rồi sau này, khi Chế Lan Viên viết bài thơ "Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng":

Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
Chưa đâu!
Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết kiều khi đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào Cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng....

Ắt hẳn chẳng ai chuẩn bị cho mình cái gì cả. Xúc cảm đã tạo ra ’Sương rơi" của Nguyễn Vĩ với những câu thơ 2 chữ và "Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng" của Chế Lan Viên với những câu thơ vô số chữ! Đó chính là Thơ, là tiếng nói của trái tim, là nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất của trí tưởng tượng,

"... Là cỏ là hoa/
Là cây là lá là quà trời cho/
Là em một buổi thẫn thờ/
Là anh mỗi buổi trông chờ bóng em"
(Thơ là gì - Miên Du),

là ,

"Khi yêu!/
Đốt cả "luận bình" để yêu"
(Tự họa-Phan Ngọc Hải)

Khiến cho người đọc ngạc nhiên mãi không thôi!

ĐỖ KIM TOÀN
23/01/2013 | 02:01





Share This:

Jillur Rahman

I'm Jillur Rahman. A full time web designer. I enjoy to make modern template. I love create blogger template and write about web design, blogger. Now I'm working with Themeforest. You can buy our templates from Themeforest.

No Comment to " Bài viết của ĐỖ KIM TOÀN. "

  • To add an Emoticons Show Icons
  • To add code Use [pre]code here[/pre]
  • To add an Image Use [img]IMAGE-URL-HERE[/img]
  • To add Youtube video just paste a video link like http://www.youtube.com/watch?v=0x_gnfpL3RM