Thơ mới nhất:

Menu

Bút Kí_MỘT NGÀY KHÔNG QUÊN


MỘT NGÀY KHÔNG QUÊN
    ooo  
 Bút kí:  PHAN NGỌC HẢI

Mỗi tháng một lần, cứ vào Chủ nhật tuần cuối là đoàn từ thiện THƯ PHÁP THIỆN TÂM lên đường đi đến những nơi cần đến.
Nơi đến của chúng tôi là các xã vùng sâu, cuộc sống người dân còn nhiều thiếu  thốn… Tám năm qua, dấu chân của đoàn đã in khắp nẻo, từ Gia Lai trở vào đến  miền cuối Việt.



Sáng nay , đoàn về quê tôi: Tiền Giang. Điểm đến là xã Long An thuộc huyện Châu Thành, công việc chính – Khám  chữa bệnh và cấp thuốc cho bà con.
Tham gia chuyến đi này, ngoài 5 Bác sĩ thường trực, một Dược sĩ, còn có các  Mạnh thường quân và những thành viên đồng hành … vị chi là 26 người.

Mọi khi, ngoài số thuốc dành cho 250 phiếu khám chữa bệnh; về phần quà bao giờ cũng là Mì gói, đường, dầu chiên, nước tương, bột ngọt … Lần này theo đề  nghị của địa phương, đoàn không mang những thứ đó, mà chỉ có thuốc và chuẩn bị 150 phần quà mỗi phần gồm 15 quyển tập, 10 bộ sách Giáo Khoa, dụng cụ học sinh và  nhiều sách Giáo Khoa cũ. Khi còn 3 ngày nữa đoàn lên đường, địa phương báo  thêm: có ba trường hợp gia cảnh thương tâm lắm…. Thế là ngoài dự kiến, mỗi  thành viên chúng tôi tự “móc túi” thêm, mỗi người một ít.

* 5 giờ 30. Chiếc xe khách quen thuộc bắt đầu chuyển bánh, bỏ lại phía sau một  Sài Gòn cũng vừa trở giấc.
Chúng tôi đến địa điểm chưa 8 giờ. Ngày Chủ nhật, nhưng sân UBND xã Long An  đông kín người. Đã quá quen rồi với công việc, nên mọi người chuyển đồ xuống, ổn định bàn ghế chỉ một loáng là xong. Theo sự phân công từ trên xe, đoàn chia  hai bộ phận; thực ra đa số tập trung bên tổ cấp phát thuốc, tổ phát quà chỉ cần  vài người là ổn.

Sau mười phút, năm Bác sĩ bắt tay  vào làm việc. Bà con ngồi chật phòng, số còn lại xếp hàng ngoài hành lang. Cô  bác lớn tuổi, dù được ngồi hay đứng, ai cũng kiên nhẫn đợi chờ trong trật tự.
Bác sĩ đã khám. Bấy giờ tổ cấp phát thuốc bắt đầu hoạt động cật lực.
Ngoài một Dược sĩ am hiểu chuyên môn, tổ cấp phát thuốc còn lại là những cô gái  bên Ngân hàng, nhà văn, giáo viên, nhà báo, dịch thuật… nhờ tham gia lâu nên thạo việc.
Bác sĩ khám và kê toa, đưa sang hai người soạn thuốc theo toa; ba người ghi  từng lọại thuốc và cách sử dụng mới cho vào túi, phần này bắt buộc thật tỉ mỉ  vì bà con phần lớn là cao tuổi; một người kiễm tra lại trước khi gọi tên…Mọi  thao tác của từng người đều nhanh và gọn …Ai cũng không muốn kéo dài thời gian  chờ đợi của bà con.

Ngoài sân nắng lên cao. Những em học sinh cầm phiếu xếp  hàng tuần tự chờ vào nhận quà. Đây là những học sinh có học lực khá mà hoàn  cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn (theo danh sách của UBND xã và trường học đề  nghị).  Nhìn những đôi mắt trong veo, rực lên niềm vui khi nhận phần sách vở của  mình, khó ai cầm lòng được.
Chúng tôi cũng gặp lại Cường, học sinh giỏi lớp 12 suýt bỏ học vì cảnh nhà vô  cùng neo khó, mà địa phương đã gửi đơn nhờ giúp đỡ kèm theo cả Giấy khen của  em, trước đây.  Hôm nay Cường đưa  bà đi khám bệnh. Trông dáng gầy gầy, gương mặt sáng thông minh của em lấp lánh  niềm tin, chúng tôi cảm thấy an lòng.

Ở tổ phát quà, nhà văn Kim Quyên tỏ ra linh hoạt hẳn, vì  nơi đây nhiều năm trước chị từng là “Ông lái đò”. Khách “sang sông” của chị bây giờ đã lớn, đưa con đi nhận sách vở, gặp lại cô giáo cũ trong nỗi mừng mừng tủi  tủi. Người chứng kiến không khỏi chạnh lòng.
            Hơn mười giờ, tổ phát quà  hoàn thành phần việc của mình và tiếp tục vào hổ trợ tổ phát thuốc. Gần 12 giờ,   bệnh nhân cuối cùng đã được phát thuốc.
Chúng tôi vào bữa cơm là trời đã đứng bóng. Ai nấy vui vẻ, xôn xao. Ngồi chưa  nóng chỗ, có chiếc Honda đỗ xịt ngoài sân. Người bệnh bước vào. Chưa được miếng  và, Bác sĩ  Trưởng lại buông đũa, đứng  lên làm nhiệm vụ.

Cơm nước xong. Có chuyện gì đó,  Bác sĩ Lân đón xe về SG trước (Cảm ơn Bs Lân nhé – mọi người hôm nay được anh  chiêu đãi tráng miệng bằng món Rau câu rất đặc biệt, do bà xã anh làm. Ngon ơi  là …. Ngon!).

Nhìn đồng hồ – sắp hai giờ chiều!
Một số người có vẻ thấm mệt, nên ở lại xe.
Vào thăm người bệnh, có các chị: Kim Ngân, Kim Quyên; các em: Nga, Hằng, Bs Trưởng và…

Chúng tôi rời ấp Long Tường, cuốc  bộ sang Long Bình.
Nhớ lại lần đội mưa xuyên rừng, rồi lội ọp ẹp trên con đường  đất đỏ nhão nhoét ở Tân Phú- Đồng Nai; Hoặc tắm dưới cái nắng trưa ai oán của  vùng núi Tịnh Biên… thì hôm nay đi trên con đường nhỏ lát bê-tông rợp mát bóng dừa,  nghe tiếng chim Cu gù trong xóm….Một cảm giác yên bình thanh thản, đồng hành với một chút gì xao xuyến ở hồn tôi!

Mười lăm năm rồi!
Hôm nay tôi mới có dịp trở lại với Long An – một xã đa số người dân sống bằng  nghề nông và dịch vu buôn bán nhỏ. Diện tích tự nhiên vẫn vậy: 592,85 ha. Hiện  nay toàn xã có 2427 hộ, mà hộ nghèo chiếm 128, cận nghèo là 45 hộ. Có lẽ hơn 7%  hộ nghèo, càng vào sâu càng rõ nét.

Nếu ở mặt tiền đường quốc lộ, có nhà  hộp mái bằng hay biệt thự với tường cao kín cổng, nếp sống người dân văn minh  không kém thị thành…. Thì đi sâu vào hơn 500 met, cuộc sống bà con nơi đây khác  hẳn, khác đến không ngờ! Họ chơn chất, giản dị một cách hồn nhiên. – Vườn tạp  còn nhiều, chưa có sự đầu tư khai phá.

* Dẫu biết trước, bệnh nhân chúng tôi sắp đến thăm, nằm  trong diện Nghèo. Thế nhưng, tôi không thể hình dung được…
Một căn nhà “Đại Đoàn Kết” do xã  cất, đến nay sắp xiêu đổ. Trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc truyền  hình 14 in, một bàn thờ còn trắng tang. Người chồng gần tám mươi, bệnh hoạn hom  hem. Vợ 74 tuổi, bị liệt nửa người – vì ốm yếu, không xoay trở được – sinh lỡ  loét;  Cô con gái ngoài ba mươi đang mang bầu… Mọi sinh hoạt trong nhà: từ miếng  cơm manh áo, đến ốm đau (tiền thuốc thôi, mỗi ngày đã sau chục ngàn đồng) … chỉ  trông chờ vào anh con rể làm nghề thợ hồ, mà việc làm thì bữa có bữa không.

Láng giềng kể rằng; Mang bệnh lao nhiều năm, anh con trai  ba mươi tuổi vừa qua đời. Hôm cúng trăm ngày cho con, người mẹ bị tai biến…Bà  tên Nguyễn thị Năm, đến đầu xóm, hỏi vợ chồng ông Hai Hổ, ai cũng biết.
Vào tận giường bệnh, Bác sĩ thăm khám kĩ lưỡng và kê toa. Đoàn để lại đúng một  tháng thuốc và một ít “tấm lòng”, dẫu biết hạt muối không làm nổi đại dương,  nhưng hy vọng tháo gỡ được chút gì khó khăn trước mắt cho gia đình. Đoàn cũng  không quên ghi lại số điện thoại cho chủ nhà.

Hình ảnh người đàn bà ốm xanh xao, nằm bẹp dúm trên chiếc  giường ọp ẹp, nóc mùng phủ những tàu lá dừa tươi cho đỡ nóng, đã máng vào tâm  trí tôi một nỗi buồn khó tả.

Rời căn nhà của bác Hai Hổ, thì  chị sáu Hoa (một trong những người ở địa phương đã liên hệ với đoàn về những  trường hợp trên) nhất định chưa cho chúng tôi trở về TP, nếu không ghé lại nhà chị. Chẳng thể khước từ trước nhiệt tình của một người phụ nữ chuyên “vác tù và  hàng ….xã”, chúng tôi trở lại xe để cả đoàn lại cuốc bộ vào ấp Long Thạnh.

Cuộc đời người phụ này gần như là  huyền thoại.
Sau 1975 chị làm Bí thư xã Long An. Trước khi về hưu, chị là trưởng một phòng  quan trọng của Sở Công Nghệ Tiền Giang. Giờ đây chị sống đơn thân (không chồng con) trong căn nhà lá lụp xụp, tồi tàn. Vườn, ao khá rộng, đủ loại cây trái xen  lẫn cỏ dại… nên chẳng thu nhập được huê lợi gì.

Tôi và Bác sĩ Bình đi lang thang  một vòng khu vườn. Chị ấy tiếc rẻ:
– Ước gì có bàn tay đàn ông, thì khu vườn này sinh lợi phải nói, Ngọc Hải đồng  ý không?
Tuy gật đầu, nhưng từ sâu thẳm trái tim tôi có cái gì nhói buốt.
Từ con đường rẽ vào nhà chị không có nổi một lối đi. Chúng tôi phải đạp trên cỏ  dại, len qua những ngôi mộ nằm rãi rác. Vì đĩa đệm đốt sống bị mòn, thần kinh  bị chèn, tĩnh mạch tắt nên một chân người phụ nữ ấy gần như liệt….Hoàn cảnh của  mình như thế, chị không để tâm. Vậy mà hễ nghe đâu đó có ai gặp khó gặp khổ,  chị liền “xăn tay vén áo” an ủi động viên; rồi điện thoại gõ cửa khắp nơi nhờ  cứu giúp…

Tôi và chị Bình trở vào nhà, mọi  người đang “chinh chiến” trước một bàn đầy ắp, đủ loại trái cây.
Chị Kim Quyên bảo:
– Bà con nghe Đoàn sắp đi, nên chở trái cây đến biếu đem về TP ăn lấy thảo.
Trước mắt tôi: ba bao tải (loại 50 ký) toàn Thanh long, chưa kể những giỏ đầy:  Nhãn, mãn cầu, Ổi….
Cuộc sống thiếu thốn, nhưng thừa lòng thơm thảo – đó là đặc tính chung của bà  con… mà chúng tôi đã gặp.

******
Trên đường trở ra lộ, hoàng hôn  đang xuống.
Tôi không hiểu – có phải tại cái sắc trời tím thẫm cuối chiều làm tôi bâng  khuâng, hay chính những hoàn cảnh vừa gặp, khiến lòng tôi đau xót?!

 Chiếc xe trở về TP chuyển bánh.
Ai cũng thấm mệt, nên không khí trầm lắng hơn lúc sáng, dù chị Kim Ngân cố gắng  pha trò. Tôi thiếp đi lúc nào không biết, chị Kim Quyên gọi, tôi giật mình thì  xe đã vào nội thành.

Về đến nơi xuất phát, mọi người vội vã xiết tay nhau:
” Đến hẹn lại lên nha. Chủ nhật cuối tháng nha!”

 PHAN NGỌC HẢI

.


Share This:

Jillur Rahman

I'm Jillur Rahman. A full time web designer. I enjoy to make modern template. I love create blogger template and write about web design, blogger. Now I'm working with Themeforest. You can buy our templates from Themeforest.

No Comment to " Bút Kí_MỘT NGÀY KHÔNG QUÊN "

  • To add an Emoticons Show Icons
  • To add code Use [pre]code here[/pre]
  • To add an Image Use [img]IMAGE-URL-HERE[/img]
  • To add Youtube video just paste a video link like http://www.youtube.com/watch?v=0x_gnfpL3RM